Thiên đầu thống

27/03/2008 20:53 GMT+7

Thiên đầu thống có triệu chứng đau đầu, mờ mắt... và ít người biết nó còn gây nên những tác hại nguy hiểm, lâu dài.

Có thể bị bỏ qua

Bệnh glôcôm theo cách gọi dân gian là "Thiên đầu thống". Có hai loại  glôcôm: glôcôm góc mở và glôcôm góc đóng. PGS.TS Vũ Thị Thái - Trưởng khoa glôcôm (Bệnh viện Mắt T.Ư, Hà Nội) cho biết: glôcôm là bệnh lý của dây thần kinh thị giác, do nhãn áp tăng quá sức chịu đựng của mắt. Bệnh gây giảm thị lực và có thể mù vĩnh viễn. Đây là bệnh rất nguy hiểm, bởi tổn thương dây thần kinh là không thể hồi phục. Bệnh cũng thường xuất hiện ở cả hai mắt. Tại VN, tỷ lệ mắc glôcôm trong cộng đồng khá cao: khoảng 2-3%. Tuy nhiên, cộng đồng chưa biết nhiều về mức độ nguy hiểm của glôcôm, để có thể quan tâm phát hiện bệnh sớm.

Glôcôm góc đóng thường có biểu hiện cấp tính, rầm rộ: đau đầu dữ dội, đau nhức trong và xung quanh mắt. Cơn đau có thể lan đến nửa đầu (vùng đỉnh, đầu, thái dương, gáy). Bệnh xảy ra đột ngột, thường xuất hiện vào chiều tối. Nguy cơ xuất hiện cơn đau này có thể sau một ngày căng thẳng hay sau khi có sự việc gây xúc động mạnh hoặc bị cảm lạnh. Người bệnh trong tình trạng nhìn mờ như qua màn sương, mắt đỏ. Khi nhìn lên bóng đèn thấy có quầng, chói. Ngoài ra, có thể  kèm theo các hiện tượng khác: chảy nước mắt, nôn, hắt hơi, sổ mũi.

Với glôcôm góc mở, hiện tượng thầm lặng hơn, khó phát hiện, vì vậy, hầu như các trường hợp được biết đã muộn. Theo TS Vũ Anh Tuấn (Phó trưởng khoa glôcôm, Bệnh viện Mắt T.Ư, Hà Nội): trong trường hợp này, bệnh nhân phát hiện thường do tình cờ: vô tình bịt một mắt mới biết mắt kia không thể nhìn thấy. Ngoài ra, có thể biểu hiện một số triệu chứng khác nhưng không rõ rệt: đau tức nhẹ ở mắt, nhức trên cung lông mày, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ... Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp, bệnh nhân không hề thấy nhức mắt mà chỉ có dấu hiệu mờ dần.

Không thể hồi phục

Theo PGS.TS Vũ Thị Thái: glôcôm là bệnh lý thoái hóa thần kinh, các tế bào đảm bảo chức năng nhìn bị chết dần mà không có tế bào mới thay thế. Thông thường có sự cân bằng giữa tế bào chết và tế bào sống, nhưng trên bệnh nhân cơ địa glôcôm, thì việc này không diễn ra, các tế bào chỉ chết dần và kéo theo nó là khả năng nhìn giảm dần. Tế bào chết đi sinh ra độc tố, ăn lan ra tế bào sống. Vì vậy, sự chết đi của tế bào vẫn tiếp diễn. Tổn  thương không thể phục hồi, mù không thể chữa khỏi. Đó chính là yếu tố rất nguy hiểm của bệnh thiên đầu thống.

Có thể phòng, tránh mù do glôcôm nếu phát hiện sớm, điều trị sớm và theo dõi thường xuyên. Bệnh gặp nhiều ở người châu Á và tỷ lệ mắc cao hơn ở nữ giới (gấp 4 lần nam). Nguy cơ cao bắt đầu ở tuổi sau 35 và nguy cơ này càng tăng lên theo tuổi. Các nghiên cứu cũng nhận thấy, một số đặc điểm về cấu trúc mắt: mắt nhỏ, giác mạc  nhỏ là yếu tố nguy cơ. Ngoài ra, gia đình có người mắc glôcôm thì con có nguy cơ mắc cao hơn những  người khác gấp 5-6 lần. Vì vậy, trường hợp này, người con cũng nên đi kiểm tra mắt định kỳ 6 tháng/lần.

 Để điều trị, bệnh nhân sẽ được xác định loại glôcôm mắc phải là "góc đóng" hay "góc mở". TS Vũ Thị Thái cho biết: "Với góc đóng cấp, cần khẩn trương, tích cực xử trí giảm nhãn áp, phẫu thuật càng sớm càng tốt. Phẫu thuật có thể thực hiện: cắt mống mắt bằng laser, phẫu thuật mổ lỗ rò. Nếu không được điều trị sẽ mù vĩnh viễn. Với  bệnh nhân góc mở, được chỉ định dùng thuốc tra lâu dài và kiểm tra định kỳ hết sức nghiêm ngặt. Nếu dùng thuốc mà bệnh vẫn tiến triển mới chỉ định phẫu thuật". TS Vũ Thị Thái nhấn mạnh: "Để tránh mù lòa, bệnh nhân glôcôm cần tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc, không tự ý dừng thuốc". Để phát hiện sớm, người sau 35-40 tuổi, người có yếu tố nguy cơ nên đi khám mắt định kỳ. Sống vui khỏe, tập luyện thể dục, không hút thuốc góp phần cải thiện sức khỏe cho người bệnh. 

N.S

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.