Thiếu an ninh ở các nguồn phóng xạ

29/11/2008 02:12 GMT+7

Hôm qua 28.11, 52 cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ tại TP.HCM đã ký cam kết thực thi Quy chế 115 về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ. Đây là động thái hết sức cần thiết khi nguy cơ mất kiểm soát nguồn phóng xạ do công tác quản lý lỏng lẻo được các chuyên gia đánh giá là rất lớn.

Nguy cơ tiềm ẩn

Thạc sĩ Đinh Ngọc Quang, Trưởng phòng Pháp chế và thông tin, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: tại Việt Nam, các nguồn phóng xạ đã được ứng dụng từ lâu, song vấn đề đảm bảo an ninh đối với chúng vẫn chưa nhận được sự quan tâm cần thiết. Nhiều cơ sở y tế chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo đảm an ninh và chưa có biện pháp quản lý về hành chính và kỹ thuật cần thiết đối với nguồn phóng xạ. Hiện có gần 50% các cơ sở bức xạ do các doanh nghiệp tư nhân quản lý nên Nhà nước khó kiểm soát. Ngoài ra, còn có những trường hợp cơ sở có chứa nguồn phóng xạ đã giải thể nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước. Đây là nguyên nhân dễ dẫn đến sự trôi nổi nguồn phóng xạ một cách nguy hiểm. 

Thạc sĩ Quang cũng thông tin, do chưa có kho quốc gia cho nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, nên hầu hết các cơ sở bức xạ buộc phải lưu giữ tạm thời các nguồn phóng xạ ngay tại cơ sở mình, thường được đặt trong nhà kho cùng với các thiết bị vật tư cũ khác. Vì thế, dẫn đến khả năng kẻ xấu không nhận thức được đó là chất phóng xạ nguy hiểm, cứ nghĩ là tài sản thông thường và lấy cắp. Một số vụ mất nguồn phóng xạ đã xảy ra trong mấy năm gần đây như ở Viện Công nghệ xạ hiếm, Công ty xi măng Việt Trung, Công ty xi măng Sông Đà… không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, mà còn gây ra những hậu quả kinh tế đối với cơ quan, doanh nghiệp để xảy ra sự cố và gây tâm lý hoang mang đối với cộng đồng.

TS Ngô Đặng Nhân (Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) dẫn chứng thêm: trên thế giới đã từng xảy ra thiệt hại nghiêm trọng do nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát gây ra. Như trường hợp xảy ra tại Brazil, nguồn xạ trị của một cơ sở y tế bị bỏ quên khi cơ sở này chuyển sang địa điểm mới. Những người thu mua phế liệu đã nhặt được nguồn và đập vỡ vỏ nguồn. Chất phóng xạ bên trong nguồn đã phát tán, vùng bị nhiễm xạ rộng khoảng 1 km2, gây ảnh hưởng đến khoảng 1 triệu dân, trong đó có gần 113.000 người được theo dõi. Sự cố đã làm cho 271 người bị nhiễm phóng xạ, trong đó có 4 người bị chết trong vòng 1 tháng. Brazil phải mất 10 năm để khôi phục lại hoạt động bình thường của thị trấn bị nhiễm xạ này.

Một số sự cố tương tự cũng đã từng xảy ra ở Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và gần đây là tại Samut Prakarn (Thái Lan, năm 2000) khi nguồn xạ trị không còn sử dụng đã bị lấy cắp để bán sắt vụn. Tại Việt Nam, tình trạng quản lý lỏng lẻo đã dẫn đến việc mất nguồn phóng xạ tại Viện Công nghệ xạ hiếm (Hà Nội, tháng 5.2007), khi một công nhân lấy cắp nguồn để bán phế liệu, gây nhiễm xạ. “Rất may nguồn phóng xạ này chỉ là Eu-152, hoạt độ không cao, đã được phát hiện và xử lý kịp thời” – TS Nhân cho hay. 

Theo TS Nhân, tình trạng quản lý lỏng lẻo ở một số cơ sở có nguồn phóng xạ là nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến những sự cố tương tự. Trong lĩnh vực y tế, hiện có 22 nguồn phóng xạ hoạt động có mức độ nguy hiểm cao tại 13 cơ sở y tế, đồng thời có 562 nguồn phóng xạ lưu kho chờ chôn thải. Nhưng điều lo ngại là các kho chứa nguồn phóng xạ chưa được thiết kế bảo đảm an ninh.

Còn đối với các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ di động để chụp ảnh bức xạ công nghiệp, đo mật độ, độ ẩm (trong công nghiệp) cũng còn nhiều bất cập trong việc quản lý an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Tại hội nghị, TS Ngô Đặng Nhân đã cho các đại biểu xem những hình ảnh về sự quản lý lỏng lẻo các nguồn phóng xạ, như trường hợp nguồn Gamma cell được lưu giữ tại nhà kho với cửa sắt và khóa không an toàn, hay một đầu máy xạ trị đã qua sử dụng được để trong kho cùng với nhiều loại vật tư, thiết bị khác.

Làm gì để bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ?

Hiện TP.HCM có tổng cộng 644 nguồn phóng xạ, trong đó có 208 nguồn đang được sử dụng (trong các lĩnh vực chẩn đoán và điều trị bệnh, trong công nghiệp, trong chiếu xạ thực phẩm, địa chất, thủy văn và các cơ sở nghiên cứu khoa học) và 436 nguồn đang được lưu trữ. Cơ sở có nguồn phóng xạ nhiều nhất là Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. PGS.TS Phan Minh Tân (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) nhận định: Ở đâu công tác quản lý nguồn phóng xạ bị gián đoạn, lơi lỏng thì ở đó, sự cố mất nguồn phóng xạ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nguồn phóng xạ bị thất lạc, phát tán ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây ra các bệnh hiểm nghèo (máu trắng, ung thư…) dẫn đến chết người khi tiếp xúc với nguồn. Do đó, việc tăng cường an ninh nguồn phóng xạ cho con người và xã hội là hết sức quan trọng. 

TS Ngô Đặng Nhân cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xem xét việc xây dựng kho quốc gia để lưu giữ chất thải phóng xạ và các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Trong thời gian chờ có kho quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ tạm thời giao cho Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân Hà Nội (ở miền Bắc) và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (miền Nam) thực hiện lưu giữ khi các đơn vị có nhu cầu.

Khái niệm “an ninh nguồn phóng xạ” vì thế được đặt ra tại hội nghị, đó là việc thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn, đối phó với các hành vi chiếm đoạt, phá hoại, chuyển giao hoặc sử dụng bất hợp pháp nguồn phóng xạ và nguy cơ thất lạc nguồn phóng xạ. Ngày 23.7.2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định số 115/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, trong đó quy định trách nhiệm bảo đảm an ninh đối với nguồn phóng xạ kín có hoạt độ trên mức miễn trừ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

TS Ngô Đặng Nhân cho biết: Quy chế 115 quy định cấp độ nguồn phóng xạ với các mức nguy hiểm khác nhau để có những biện pháp bảo đảm an ninh. Chẳng hạn như đối với nguồn phóng xạ loại A (rất nguy hiểm) thì ngoài biện pháp phải có camera theo dõi, còn phải được kiểm đếm hằng ngày; nguồn phóng xạ loại B có mức độ nguy hiểm thấp hơn thì không cần có camera theo dõi, nhưng phải được kiểm đếm hằng tuần; nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm thấp hơn nữa thì phải được kiểm đếm 6 tháng một lần... Quy chế 115 cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan sử dụng nguồn phóng xạ, nhằm hạn chế những người không có thẩm quyền tiếp cận các nguồn phóng xạ. 

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.