Thiếu máu trong suy thận mãn

03/03/2012 03:39 GMT+7

Do bệnh “thời đại” tiểu đường gia tăng nên kéo theo bệnh suy thận mãn ngày càng nhiều.

Do bệnh “thời đại” tiểu đường gia tăng nên kéo theo bệnh suy thận mãn ngày càng nhiều. 

Mỗi năm thế giới có khoảng 250.000 bệnh nhân mới được chẩn đoán suy thận mãn tính. Thống kê trong những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân suy thận mãn cần chạy thận nhân tạo trên thế giới bình quân mỗi năm tăng 7%. Hiện có khoảng 2 triệu người chạy thận nhân tạo mỗi năm. Đó là thông tin được các bác sĩ đưa ra tại hội nghị chuyên đề về điều trị thiếu máu trong suy thận mãn tính, tổ chức tại TP.HCM gần đây.

Theo bác sĩ Châu Thị Kim Liên (Trưởng khoa Thận niệu nội, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM), nguyên nhân số người mắc bệnh suy thận mãn ngày càng nhiều là vì dân số thế giới ngày càng già đi, và bệnh “thời đại” - tiểu đường dạng 2 ngày càng nhiều. Ở châu u, người ta ghi nhận, bình quân cứ 10 người thì có 1 người mắc bệnh suy thận mãn tính. Mỹ, Nhật, Đài Loan cũng là những nơi có tỷ lệ mắc bệnh này cao. Ngoài ra, theo các bác sĩ, có những nguyên nhân khác gây suy thận như do tăng huyết áp, viêm cầu thận, suy tim...

 
Chạy thận cho bệnh nhân suy thận mãn - Ảnh: T.Tùng

5 giai đoạn bệnh

Bác sĩ Châu Thị Kim Liên cho biết chi phí cho điều trị suy thận mãn rất tốn kém, nhất là giai đoạn phải lọc thận, một số danh mục thuốc, kỹ thuật chưa được thanh toán bảo hiểm y tế. Tại châu u, chi phí cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo chiếm khoảng 2% tổng ngân sách dành cho y tế. 

Bệnh ở giai đoạn 1, 2 thì biến cố tim mạch ít, nhưng giai đoạn 3 trở đi (có 5 giai đoạn) thì biến cố tim mạch và tỷ lệ tử vong đáng sợ hơn. Tỷ lệ tử vong do bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân lọc thận cao hơn từ 10-20 lần so với người bình thường. Giai đoạn 1, 2 không thấy người bệnh biểu hiện thiếu máu, nhưng giai đoạn 3 trở đi thì tình trạng thiếu máu sẽ tăng, và 90% bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn 5 bị thiếu máu. Chính vì thiếu máu lúc này đã gây ảnh hưởng lên tim mạch như nói trên, khi thiếu máu lại làm cho chức năng thận suy giảm thêm, không ăn uống được, gây nên vòng luẩn quẩn.

Bác sĩ Liên cho rằng việc phát hiện sớm bệnh suy thận mãn tại Việt Nam còn hạn chế tại các bệnh viện tuyến dưới. Có bệnh viện tuyến dưới có khoa chạy thận nhân tạo, nhưng lại không có khoa nội thận, chính vì thế người dân không được phát hiện bệnh sớm, chỉ thường phát hiện khi bệnh nặng và chuyển lên tuyến trên. Nếu phát hiện bệnh ở những giai đoạn 1, 2, điều trị tốt cho người bệnh thì sẽ giảm tỷ lệ bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối, kéo dài thời gian sống, và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Thanh Tùng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.