Thời tiết chuyển mùa: Gia tăng dịch bệnh truyền nhiễm

21/10/2008 08:56 GMT+7

TP Hồ Chí Minh đang trong thời điểm chuyển sang mùa khô. Theo ghi nhận của các bệnh viện (BV) cũng như chuyên gia y tế, đây là lúc một số bệnh truyền nhiễm có điều kiện phát sinh mạnh. Ghi nhận trong ngày 20-10 tại một số BV nhi và nhiệt đới cho thấy số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), nhiễm siêu vi, hô hấp, tiêu chảy đang có xu hướng tăng cao, nhất là đối với trẻ em.

Nhiều dịch bệnh lây lan ở trẻ

Nằm thiêm thiếp trên giường bệnh và phải luôn có máy đo nhịp tim thường trực là hình ảnh nhiều bệnh nhi được điều trị SXH ở khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 TPHCM. Trong đó có những em chỉ mới 13 tháng tuổi nhưng phải điều trị sốc độ III, độ IV. BS Trần Thị Thúy, Phó khoa Nhiễm, cho biết hiện mỗi ngày  khoa này phải điều trị 100 - 120 bệnh nhi mắc SXH, tăng hơn nhiều so với các tháng trước. điều BS Thúy lo ngại là số trẻ nhập viện chủ yếu sinh sống trên địa bàn TPHCM (chiếm hơn 80%) và bị sốc nặng chiếm 10% - 15%. Trong tháng 9 vừa qua BV Nhi đồng 2 cũng đã ghi nhận thêm 2 trẻ tử vong do mắc SXH biến chứng suy hô hấp quá nặng, nâng tổng số trẻ mắc SXH tử vong tại BV này lên 6 trường hợp tính từ đầu năm đến nay. “Với thời tiết giao mùa như hiện nay, tình trạng mưa kéo dài và môi trường ô nhiễm thì nguy cơ số trẻ mắc SXH vẫn còn cao” - BS Thúy băn khoăn.

Bên cạnh đó, trong tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay, BV Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận một lượng đáng kể trẻ mắc bệnh TCM. Mặc dù đây là bệnh tiềm ẩn xảy ra quanh năm nhưng theo quy luật được các chuyên gia y tế ghi nhận thì các tháng 9, 10, 11 hàng năm được xem là thời điểm lây lan của dịch bệnh này.

Không chỉ thời tiết tạo điều kiện cho virus gây bệnh TCM nảy nở mà các trường mầm non, mẫu giáo đã tựu trường cũng tạo cơ hội cho dịch bệnh này lây lan. Chỉ tính trong ngày 20-10, BV Nhi đồng 2 đã phải điều trị hơn 40 trẻ mắc bệnh TCM. Nhưng theo BV này thì đó mới chỉ là số trẻ cần nhập viện, còn số trẻ khám và điều trị ngoại trú còn nhiều hơn.

BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi đồng 1 cũng đang “vào mùa” tiếp nhận và điều trị các dịch bệnh truyền nhiễm cho trẻ. Phân tích mới đây trên 135.643 lượt bệnh nhi đến khám tại BV Nhi đồng 1 trong tháng 9-2008, lãnh đạo BV này đưa ra nhận xét rằng bệnh SXH vẫn còn duy trì ở mức cao, và dự báo trong tháng 10 vẫn không hề giảm.

Bên cạnh đó, số trẻ mắc các bệnh do sốt siêu vi, tiêu chảy, và đặc biệt là nhóm bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản cũng tăng đáng kể. Chỉ trong tháng 9 vừa qua, số ca điều trị nhóm bệnh nói trên tại BV Nhi đồng 1 tăng 46% so với tháng 8, trong đó, số bệnh nhi sơ sinh nhập viện tăng 25% so với tháng trước. Chỉ tính trong ngày 20-10, khoa Nhi A BV Bệnh nhiệt đới đã phải điều trị nội trú gần 70 trẻ. Và trong tháng 9 vừa qua, BV này đã điều trị cho gần 2.000 trẻ mắc SXH. Chưa hết, số trẻ bị mắc tiêu chảy, sốt siêu vi nhập BV Bệnh nhiệt đới cũng không ngừng tăng lên so với các tháng đầu năm.

Người lớn chủ quan: mắc SXH, cúm A

Theo các chuyên gia y tế, điều đáng ngại trong điều kiện thời tiết hiện nay là một số bệnh truyền nhiễm cũng đang gia tăng ở người lớn. Ngoài một vài bệnh truyền nhiễm thông thường, 2 dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát là SXH và cúm A. BS Nguyễn Thị Dung, Phó khoa Nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới, cho biết SXH ở người lớn đang lên đỉnh điểm, trong tháng 9 vừa qua mỗi ngày tại khoa Nhiễm D bệnh viện này có tới 60 - 65 bệnh nhân điều trị nội trú.

Còn từ đầu tháng 10 đến nay, bình quân mỗi ngày có 15 - 20 bệnh nhân mắc SXH nhập viện, có ngày đột biến lên tới 31 bệnh nhân (ngày 13-10), nâng tổng số bệnh nhân thường trực trong khoa lên 65 - 70 người/ngày. “Người lớn thường do chủ quan như ngủ không móc mùng, khi bị sốt cứ cho là bệnh xoàng nên nhập viện thì đã mắc SXH nặng” - BS Dung cho biết.

Mặc dù dịch cúm A chưa phải đến cao điểm mùa, nhưng theo BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới, qua thống kê sơ bộ cũng cho thấy cúm A đang có xu hướng gia tăng. 9 tháng đầu năm 2008, BV Bệnh nhiệt đới đã ghi nhận 321 trường hợp mắc cúm A, trong đó nhiều trường hợp bị biến chứng nặng.

Tại hội thảo về dịch cúm mới đây, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, TS-BS Trần Tịnh Hiền, cảnh báo mùa cao điểm cúm A đang ngấp nghé và có thể kéo dài 3-10 tuần. Không chỉ trẻ em dưới 5 tuổi mà người lớn cũng dễ mắc bệnh, nếu nhiễm virus cúm gia cầm H5N1, có thể bị biến chứng suy hô hấp cấp, suy đa cơ quan.

Theo BS Hiền, cúm A thường phát xuất từ dịch cúm gia cầm và thời tiết chuyển sang mùa khô, se lạnh (khoảng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) là thời điểm thuận lợi cho các loại virus cúm gia cầm: H5N1, H9N2, H9N3 và H7N7 phát triển. Đặc biệt, virus cúm A/H5N1 có thể dẫn đến những biến chứng nặng: suy hô hấp cấp, suy đa cơ quan, viêm não và tỷ lệ tử vong cao.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường công tác dập dịch SXH. Theo đó, UBND TP giao Sở Y tế TPHCM chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận huyện tiếp tục tăng cường công tác giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch SXH. Đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế về kế hoạch dập dịch SXH trong 4 tháng cuối năm 2008 và chỉ đạo của UBND TP về phòng chống dịch SXH trên địa bàn TP.

  Theo Tường Lâm / Báo SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.