Thụ tinh trong ống nghiệm: Không có con do... vướng quy định

04/02/2009 23:45 GMT+7

Ngày càng có nhiều người tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), nhưng không phải ai cũng toại nguyện do vướng quy định hiện hành. Nghe đọc bài

Tự nguyện cũng  không được

Sau khi chia tay vợ, anh S. sống cùng chị M. như vợ chồng và cả hai đều mong sớm có con để vui cửa vui nhà. Khổ nỗi, chị M. sau đó được bác sĩ phát hiện có trục trặc ở buồng trứng, khó thụ thai tự nhiên nên cả hai nhất trí đi làm TTTON. Thế nhưng, tìm đến bệnh viện nào họ cũng bị từ chối, vì anh S. tuy đã ly hôn thực tế với vợ nhưng chưa có quyết định của tòa án. Dù cả hai sau đó đôn đáo chạy xin xác nhận của cơ quan, đoàn thể… về tình trạng hôn nhân thực tế, song các bác sĩ bệnh viện vẫn lắc đầu vì không thể làm trái quy định. 

Với vợ chồng anh H. và chị T., việc phải tìm đến TTTON là do anh H. bị vô sinh. Sau khi biết rõ nguyên nhân, anh H. đã họp cả gia đình nội ngoại lại, đề xuất xin tinh trùng của người em kế, kết hợp với trứng của chị T. Đề xuất này được cả gia đình hai bên nội ngoại chấp thuận, người hiến tinh trùng và chị T. cũng tự nguyện đến bệnh viện để thực hiện TTTON. Thế nhưng, các bác sĩ bệnh viện cũng từ chối. “Những trường hợp như thế chúng tôi rất muốn giúp, vì rõ ràng họ mong muốn có một đứa con và có khả năng nuôi dạy đứa trẻ, nhưng quy định không cho phép nên chúng tôi không thể làm”, bác sĩ một bệnh viện chia sẻ.

Rào cản tuổi tác

Hiện tại trong nước có 10 đơn vị có làm TTTON, gồm 9 bệnh viện: Từ Dũ, Hùng Vương, Phụ sản quốc tế Sài Gòn, Vạn Hạnh (TP.HCM); T.Ư Huế (Thừa Thiên – Huế); Phụ sản Thanh Hóa (Thanh Hóa); Phụ sản Hải Phòng (TP Hải Phòng); Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội, và Trung tâm Công nghệ phôi (Hà Nội). Chi phí bình quân cho một đợt làm TTTON từ 30 - 40 triệu đồng hoặc cao hơn tùy trường hợp.

Vợ chồng chị V. (TP.HCM) đã có một con nay 10 tuổi, nhưng do hoàn cảnh kinh tế nên không sinh tiếp. Nay kinh tế vững vàng, hai vợ chồng muốn sinh thêm một con “cho có anh có em”. Để “tự nhiên” gần 1 năm không kết quả, hai vợ chồng bàn tính đi làm TTTON. Thế nhưng, đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác ở thành phố, họ đều bị từ chối vì quy định chỉ cho phép làm TTTON người phụ nữ từ 45 tuổi trở xuống, trong khi chị V. đã 46 tuổi. 

Cũng vướng tuổi tác là trường hợp 2 vợ chồng Việt kiều Mỹ chúng tôi gặp hôm qua 4.2 tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, TP.HCM. Anh chồng tên K. kể hai vợ chồng đã làm TTTON một lần ở Mỹ, một lần ở Đài Loan nhưng đều thất bại. Nghe trong nước trình độ TTTON ở mức khá cao, cả hai quyết định bay về Việt Nam thử vận may. Nhưng rồi đến bệnh viện nào họ cũng bị từ chối do người vợ đã 47 tuổi. Tìm đến Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, hai vợ chồng tha thiết nài nỉ các bác sĩ “cứ làm TTTON giùm chúng tôi, nếu đậu thì chúng tôi bay về Mỹ sinh em bé để không bị ràng buộc về độ tuổi”, nhưng cuối cùng cả hai đành phải buồn bã chào bác sĩ ra về.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, vướng mắc mà các bệnh viện làm TTTON hay gặp nhiều nhất chính là tuổi tác của người phụ nữ. Có nhiều nguyên nhân, do lập gia đình trễ, hoặc khi trẻ vẫn tin tưởng sẽ mang thai tự nhiên, sau nhiều năm không thấy gì mới đi khám và phát hiện trục trặc, tìm đến TTTON thì tuổi đã quá 45…  

Muốn “xin giống tốt” cũng không thể

Những mẫu tinh trùng được trữ lạnh tại BV Hùng Vương, TP.HCM 

Ngoài những trường hợp bị vướng tình trạng hôn nhân, tuổi tác… như trên, bác sĩ Sương còn cho biết: “Trong thực tế có những trường hợp người vợ không có tử cung do bẩm sinh hoặc vì bệnh phải cắt đi..., họ muốn dùng phôi tạo thành từ trứng và tinh trùng của chính hai vợ chồng để chuyển vào buồng tử cung của người chị, hoặc em gái ruột mang thai giùm. Tôi nghĩ điều này cũng chấp nhận được, nhưng về nguyên tắc hiện nay không được phép làm vì như thế là liên quan đến yếu tố mang thai hộ. Dù chính các bác sĩ biết rõ họ là những thành viên trong gia đình, chứ không phải là người ngoài mang thai hộ với tính chất mua bán”. 

Đáng lưu ý, qua tìm hiểu tại các bệnh viện, các bác sĩ cho biết ngày càng có nhiều phụ nữ độc thân, không muốn lập gia đình, chỉ muốn có con bằng TTTON. Nếu họ xin tinh trùng theo đúng quy định để làm TTTON thì hợp lệ, nhưng một số người, nhất là những người kinh tế khá giả, có địa vị xã hội, văn nghệ sĩ… muốn chọn người đàn ông họ biết rõ danh tính, nhân thân để xin tinh trùng (chủ yếu về hình thể, sức khỏe, học vấn...) và người đàn ông cũng chấp thuận, nhưng các bệnh viện lại không thể làm vì phạm vào quy định “người cho và nhận tinh trùng không được biết nhau”. Có trường hợp một người mẫu từ Hà Nội bay vào TP.HCM làm TTTON, và muốn “chỉ định” tinh trùng do người bạn trai của cô là một Việt kiều, nhưng các bệnh viện đều từ chối.

Cần phải thay đổi  quy định

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM, cho biết tính từ khi em bé trong nước ra đời bằng TTTON năm 1998, đến nay cả nước đã có hơn 4.000 trẻ sinh ra từ TTTON. Nhu cầu làm TTTON trong nước ngày càng tăng, mỗi năm tăng từ 10-15%, và trong thực tế đã nảy sinh rất nhiều vướng mắc nếu căng quy định ra làm. “Cần xem lại một số vấn đề như: mang thai hộ (xem xét cho phép có kiểm soát) đối với một số trường hợp được làm. Thực tế có những phụ nữ mắc bệnh tim, bệnh nội khoa, tử cung dị dạng... không thể mang thai được, nhưng vì nhu cầu có con họ đã sang nước ngoài làm. Hay như việc cho tinh trùng, một số nước cũng xem xét song song vừa “vô danh”, vừa “hữu danh”, bởi có nhiều phụ nữ độc thân, những cặp vợ chồng muốn chọn tinh trùng từ người mà họ biết. Vấn đề quy định tuổi ở phụ nữ không quá 45 cũng cần xem lại, bởi cũng có những nước cho phép ở tuổi lớn hơn...”, bác sĩ Tường đề xuất. 

Cũng theo bác sĩ Tường, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở có thực hiện TTTON gửi đề xuất, kiến nghị về những bất cập nảy sinh trong thực tế về Bộ để xem xét. “Chúng tôi đã tập hợp, đề xuất giải quyết những vướng mắc để việc TTTON đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhiều cặp vợ chồng và thiên chức làm mẹ của người phụ nữ”, bác sĩ Tường nói.

Thanh Tùng

Về sinh con theo phương pháp khoa học, có những quy định chung mà các cặp vợ chồng cần biết, đó là:

Với người cho tinh trùng, cho noãn phải đảm bảo các điều kiện sau: từ đủ 20-55 tuổi (với người cho tinh trùng), từ đủ 18-35 tuổi (với người cho noãn); có sức khỏe, không mắc các bệnh lây qua đường tình dục, HIV/AIDS, bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm, hay các bệnh di truyền khác; tự nguyện cho; không tìm hiểu về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người nhận. Còn với người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi phải đảm bảo các điều kiện: từ đủ 20-45 tuổi; có đủ sức khỏe để thụ thai, mang thai và sinh đẻ, không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, bệnh tâm thần, truyền nhiễm, hay các bệnh di truyền khác; không tìm hiểu về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho. Ngoài ra, tinh trùng của người cho chỉ được sử dụng cho một người.

Người nhận tinh trùng phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng, hay phụ nữ sống độc thân có nhu cầu có con đã được cơ sở y tế xác định có noãn bảo đảm chất lượng để thụ thai. Tương tự, noãn của người cho cũng chỉ được sử dụng cho một người. Người nhận noãn phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người vợ có nhu cầu sinh con nhưng không có noãn, hoặc noãn không đảm bảo chất lượng để thụ thai... (
H.Y)

Đằng sau ca sinh 8 ở Mỹ

Dư luận Mỹ mấy ngày nay vẫn tiếp tục bàn tán xôn xao xung quanh ca sinh 8 của bà Nadya Suleman, sống ở bang California. Người phụ nữ 33 tuổi này đã sinh mổ 6 bé trai và 2 bé gái hôm 26.1 tại một bệnh viện ở thành phố Bellflower. Hiện các bé đều khỏe mạnh và đang được chăm sóc trong lồng kính.

Chuyện này đã nhanh chóng bị nhiều người chỉ trích khi người ta phát hiện Suleman là một bà mẹ đơn thân đã có 6 con từ 2-7 tuổi và đang thất nghiệp, theo báo The Washington Post. Họ lo ngại bà sẽ không nuôi nổi 14 đứa trẻ. Giới chức bệnh viện cho biết lần sinh 8 này của bà Suleman cũng là nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Bác sĩ ban đầu dự đoán bà Suleman sẽ sinh 7 và họ đã thật sự ngạc nhiên khi bé thứ 8 chào đời. Chưa rõ 6 người con đầu của người mẹ đơn thân này được sinh thế nào nhưng mẹ của bà Suleman là Angela Suleman tiết lộ với hãng tin AP rằng chúng chào đời nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo và rằng bà Suleman đã dùng các phôi còn lại để thụ tinh thành 8 phôi thai. Bà Suleman đã ly dị chồng hồi tháng 1 năm ngoái song theo hồ sơ thì chồng cũ của bà không phải là cha của những đứa trẻ này, báo The New York Times cho hay. Không có luật giới hạn số phôi thai được cấy vào tử cung người mẹ song các bác sĩ sản khoa thường tuân theo những hướng dẫn, vốn yêu cầu họ lưu ý đến điều kiện thể chất lẫn tinh thần cũng như cuộc sống gia đình của người mẹ.

Nhà đạo đức sinh học thuộc Đại học Pennsylvania Arthur L.Caplan thừa nhận trường hợp trên đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến khía cạnh đạo đức, trong đó có câu hỏi liệu các bác sĩ chấp nhận điều trị sinh sản cho bà Suleman có cân nhắc đến việc bà này đã có 6 con và chi phí chăm nuôi 14 đứa trẻ hay không.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.