Tiêm chủng và chăm sóc sau tiêm cho trẻ nhỏ

24/09/2018 11:02 GMT+7

Việc chăm sóc trẻ sau tiêm vắc xin tại gia đình góp phần quan trọng cho tiêm chủng an toàn

Phản ứng sau tiêm
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay cả nước ghi nhận 4.114 trường hợp phản ứng thông thường là các trẻ trong TCMR và tiêm dịch vụ với các biểu hiện phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt <39 độ C; có 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng (gồm 27 trường hợp tai biến nặng sau tiêm các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng và 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm các vắc xin trong tiêm chủng dịch vụ). Các trường hợp tai biến nặng đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế họp đánh giá và kết luận, ghi nhận do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ (13%); do phản vệ/phản ứng quá mẫn sau tiêm chủng (70%) và 17% không rõ nguyên nhân. Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.
Chăm sóc trẻ sau tiêm tại nhà
Các trẻ sẽ được theo dõi phản ứng sau tiêm 30 phút tại điểm tiêm chủng. Trong quá trình chăm sóc trẻ sau tiêm tại nhà, TS-BS Lê Kiến Ngãi, Phụ trách đơn vị Tư vấn tiêm chủng, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, các bà mẹ, người chăm sóc trẻ cần lưu ý các phản ứng tại nơi tiêm.
Trẻ thường có các phản ứng như: sưng, đau ít tại nơi tiêm. Đây là các phản ứng sau tiêm thường gặp. Người nhà lưu ý không chườm, đắp, bôi các vật lạ lên chỗ tiêm của trẻ.
Trẻ cũng có thể có sốt, nếu sốt cao (từ 38,5 độ C) thì cho trẻ hạ sốt như khuyến cáo của bác sĩ. Nếu không may trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm như co giật, khó thở... (tỷ lệ rất thấp) thì cho trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, hỗ trợ.
Bác sĩ cung lưu ý, thông thường, sau khi tiêm chủng một số loại vắc xin thì em bé cũng có thể xuất hiện một số phản ứng sau tiêm như sốt, nổi ban rải rác... Nếu bạn lo lắng đây có phải là tình trạng dị ứng hay không thì cần đưa em bé đến các cơ sở có chuyên khoa miễn dịch dị ứng trẻ em để được đánh giá, xác định nguyên nhân và tư vấn hỗ trợ.
Tiêm chủng cho trẻ có bệnh
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, các em bé có tình trạng dị ứng vẫn được tiêm chủng theo lịch dưới sự phối hợp chuyên môn giữa chuyên khoa miễn dịch dị ứng và các thầy thuốc của đơn vị tư vấn tiêm chủng.
Theo khuyến cáo của Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, không có chống chỉ định tuyệt đối cho các trường hợp trẻ bị bệnh bẩm sinh. Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh lại càng cần được tiêm chủng để có đủ năng lực miễn dịch bảo vệ cơ thể. Để đảm bảo an toàn cho trẻ có các bệnh bẩm sinh, khi tiêm chủng, trẻ cần được phối hợp, theo dõi giữa các thầy thuốc lâm sàng, nhi khoa và các nhà tư vấn tiêm chủng.
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư và các bệnh viện sản nhi đã có các đơn vị tư vấn tiêm chủng phục vụ các trường hợp nêu trên. Gia đình và người chăm sóc trẻ có thể đưa trẻ đến các bệnh viện nhi để được tư vấn.
Khác biệt khi dùng thuốc và tiêm chủng
Việc dùng thuốc phải đạt một nồng độ nhất định để phát huy tác dụng của thuốc. Ví dụ, dùng kháng sinh thì phải đạt nồng độ nhất định để tiêu diệt vi khuẩn trong cơ thể. do vậy, liều dùng kháng sinh phải căn cứ trên cân nặng của trẻ.
Còn với tiêm chủng, mục đích là đưa vào cơ thể một lượng kháng nguyên tối thiểu, an toàn vừa đủ để gây đáp ứng miễn dịch, bảo vệ cho trẻ, phòng chống bệnh tật; liều lượng vắc xin được các nhà chuyên môn và các nhà sản xuất tính toán ở mức độ thấp nhất.
Chỉ định liều vắc xin không theo cân nặng mà căn cứ theo tuổi của trẻ, bởi vì theo diễn biến ở các mức thời gian khác nhau sau khi sinh thì em bé có các tình trạng miễn dịch, bảo vệ cơ thể khác nhau; tiêm chủng theo lứa tuổi hỗ trợ trẻ trong những năm tháng đầu đời có đủ miễn dịch để phòng chống bệnh tật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.