Tổ chức thử tay nghề chữa bệnh của "thần y"

02/07/2011 00:13 GMT+7

UBND tỉnh Bình Phước vừa cho phép tổ chức hội thảo (dự kiến trong tháng 7.2011) để kiểm chứng tay nghề của “thần y” Võ Hoàng Yên chữa bệnh câm điếc, bại liệt… bằng hình thức xoa bóp.

Ngày 29.6, ông Nguyễn Huy Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã ký công văn cho phép tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả chữa bệnh bằng phương pháp bấm huyệt của ông Võ Hoàng Yên (SN 1975, quê Cà Mau). Công văn nêu rõ: “Để có cơ sở đánh giá hiệu quả phương pháp chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên cũng như nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe của người bệnh. UBND tỉnh giao cho Hội Đông y, Hội Khoa học kỹ thuật chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo đánh giá về hiệu quả điều trị các bệnh về câm, điếc, bại liệt, thoái hóa cột sống tại Bình Phước. Nếu qua hội thảo mà ông Yên chứng minh được về mặt khoa học cũng như hiệu quả thực tế thì đề nghị Bộ Y tế xem xét cho hành nghề theo quy định. Nếu không chứng minh được thì yêu cầu ông Yên chấm dứt hoạt động khám, chữa bệnh tại Bình Phước”.

 
"Thần y" Võ Hoàng Yên (người đeo khẩu trang) đang khám, chữa bệnh cho một bệnh nhân - Ảnh: Tuy Phong

Để có sự đánh giá khách quan, UBND tỉnh Bình Phước đề nghị hội thảo phải mời những tổ chức, cá nhân quan tâm cùng với một số bác sĩ Tây y, Đông y, các nhà khoa học của Khoa Y học cổ truyền Đại học Y Dược TP.HCM; Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM cùng với báo, đài. Phải lựa chọn 3 bệnh nhân cho mỗi loại bệnh (câm, điếc, bại liệt và thoái hóa cột sống) để kiểm chứng. Bệnh nhân tuổi không quá 45, thể bệnh tương đối (không quá nặng, không quá nhẹ) được kiểm tra sức khỏe và đánh giá thực trạng bệnh trước khi điều trị.

Trước đó, liên quan đến việc “thần y” Võ Hoàng Yên đến khám và chữa bệnh câm điếc, bại liệt... tại nhà riêng ông Bùi Văn Tự, Chánh thanh tra Sở Y tế Bình Phước; ngày 12.5 Công an tỉnh đã có báo cáo với UBND tỉnh khẳng định, hiệu quả chữa bệnh thiếu cơ sở để xác định, nhưng qua tin đồn đã tạo dư luận đồn thổi về khả năng chữa bệnh của Võ Hoàng Yên có thể bị lợi dụng gây tình hình phức tạp về an ninh trật tự ở địa phương.

 Khó tin “thần y”

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Giang - Phó khoa Thính học (Bệnh viện Tai mũi họng, TP.HCM): “Có nhiều trường hợp điếc, như: điếc đột ngột (do co thắt mạch máu); điếc do bệnh lý (như viêm tai, viêm tai xương chũm); điếc bẩm sinh; điếc do tiếng ồn; điếc do bệnh lý tai ngoài... Tùy theo nguyên nhân, có loại điều trị được, có loại không thể điều trị. Với điếc do bệnh lý tai trong thì phải bắt buộc điều trị, can thiệp Tây y, bằng phẫu thuật, chứ bấm huyệt, châm cứu không thể giải quyết được gì. Nếu nói bấm huyệt chữa được điếc thì phải chứng minh cụ thể, chứ chỉ nghe nói thì thật là khó tin”.

Bác sĩ Phạm Thanh Sơn (nguyên bác sĩ điều trị của khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) nói thêm: “Tôi nghe “thần y” chữa bệnh điếc thấy thật vô lý. Nếu đưa một trường hợp bị điếc từ 3 tháng trở lên mà “thần y” chữa được thì các bác sĩ sẽ tôn làm “sư phụ”. Bởi, nếu điếc bẩm sinh, điếc do tổn thương tai trong, hay tế bào thính giác tai trong thì không thể chữa trị  được”.

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Giang và bác sĩ Phạm Thanh Sơn, chỉ có một số trường hợp như, với điếc đột ngột tạm thời (do co thắt mạch máu) thì có thể điều trị được, hoặc tự bản thân sẽ hết, hoặc dẫn đến điếc vĩnh viễn; hay trường hợp đặc biệt điếc do cứng khớp xương bàn đạp (cứng khớp đế đe đạp) - gọi là xốp xơ tai thì phẫu thuật có thể chữa khỏi.

Ở góc độ y học cổ truyền, lương y Vũ Quốc Trung (hội viên Hội Đông y VN) nói: “Về lý thuyết thì Đông y có chỉ định bấm huyệt, châm cứu để chữa trị một số trường hợp ù tai, hay điếc do nguyên nhân chức năng. Chứ nếu điếc do nguyên nhân thực thể, cấu trúc cơ quan âm thanh của tai bị tổn thương (như thủng màng nhĩ) thì phải xử trí bằng ngoại khoa, phẫu thuật, chứ bấm huyệt hay châm cứu không thể giải quyết được”.     

Thanh Tùng

Chưa thấy chữa hết bệnh người nào

Trước thông tin tỉnh Bình Phước sẽ cho phép hội thảo về hiệu quả của việc trị bệnh bằng phương pháp bấm huyệt của ông Võ Hoàng Yên, ngày 1.7, BS Lê Văn Hải, Phó trưởng phòng Y tế huyện Cái Nước, Cà Mau (nơi “thần y” Võ Hoàng Yên có thời gian hành nghề chữa bệnh) nói: “Có cuộc hội thảo như thế (có kiểm chứng về hiệu quả) thì thật tốt, để có kết luận cuối cùng, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người bệnh”. Nhưng BS Hải khẳng định: “Đến thời điểm này, Phòng Y tế huyện Cái Nước chưa phát hiện một ca bệnh nào mà ông Yên trị hết bệnh. Chúng tôi tiếp xúc với nhiều người bệnh từng đến chỗ ông Yên điều trị, thì không có trường hợp nào hết bệnh”.

BS Hải thông tin thêm: “Khi kiểm tra lần đầu tiên, ông Yên không đưa ra bằng cấp chuyên môn nào. Sau đó vài hôm, ông Yên đến cung cấp cho chúng tôi bằng trung học chuyên nghiệp chuyên ngành Đông y, do trường Trung học Quân y II cấp (ngày 30.8.2008). Nhưng lạ lùng là, ở 2 lần kiểm tra sau, ông Yên cho biết mình chỉ được truyền nghề từ những vị sư ở chùa, mà không nhắc đến bằng cấp kia”.

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Phạm Thị Thài, ngụ thị trấn Cái Nước (H.Cái Nước) kể: “Tôi bị đau khớp, đi lại khó khăn, nghe mọi người chỉ dẫn, tôi đến nhờ ông Yên trị giúp. Nhưng sau mấy lần đến cho thầy Yên bấm huyệt, tôi thấy không giảm, mà đến nay tôi phải ngồi xe lăn”.

Hôm đoàn công tác đến kiểm tra (ngày 25.5) tại nhà cha vợ của ông Yên (ấp Cái Nước, thị trấn Cái Nước - nơi ông Yên đang điều trị bệnh), “thần y” lớn tiếng tuyên bố mình vừa điều trị cho 4 thân nhân của một bác sĩ ở Cà Mau bị câm, nay nói chuyện được. Nhưng thực tế, cả 4 người này đến nay vẫn không nói được. Chuyện này đã được lãnh đạo Phòng Y tế H.Cái Nước xác nhận.

Gia Bách

Xuân Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.