Trẻ sơ sinh 15 ngày tuổi mắc bệnh thủy đậu

16/01/2018 14:35 GMT+7

Ngày 16.1, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết khoa này đang điều trị cho bệnh nhi sơ sinh mới 15 ngày tuổi bị thủy đậu do lây từ mẹ.

Bé trai H.Q.V (15 ngày tuổi, ngụ Đồng Tháp) là bệnh nhi nhỏ tuổi thứ hai bị thủy đậu nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 (năm 2014, bệnh viện tiếp nhận ca thủy đậu 10 ngày tuổi). Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhi ổn định và sắp xuất viện.
Cách đây 25 ngày, chị N.T.T.M sinh bé V. tại một bệnh viện ở Q.12, TP.HCM. Sau sinh, hai mẹ con chị M. về quê ở Đồng Tháp. Tuy nhiên, hai ngày sau sinh, chị M. bị thủy đậu và một tuần sau mới khỏi.
Khi bé V. được 15 ngày tuổi thì bắt đầu nổi mụn nước, quấy khóc, sốt. Gia đình theo dõi và đưa bé đến bệnh viện địa phương khám, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1, với chẩn đoán mắc thủy đậu.
Bác sĩ Khanh cho biết, bệnh thủy đậu (dân gian còn gọi là trái rạ) do vi rút Varicella zoster gây ra. Mùa bệnh thủy đậu đã bắt đầu và kéo dài đến tháng 6.
Bệnh không từ một ai, từ trẻ em đến người lớn do việc tiêm ngừa bệnh không bao phủ, tiêm không đủ liều và một phần đông là do người lớn mắc bệnh lây cho trẻ em như trường hợp trên.
"Với trẻ sơ sinh khi bị thủy đậu sẽ rất nặng do các cháu chưa có sức đề kháng mạnh. Với người mắc bệnh, vi rút trong hai ngày đầu lây lan cho người xung quanh rất mạnh", bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Theo bác sĩ Khanh: Bệnh có biểu hiện ban đầu là sốt, hai ngày sau nổi bóng nước khắp cơ thể và tùy tình trạng nặng nhẹ thì bóng nước nổi nhiều hay ít. Do đó, nếu nghi ngờ mắc thủy đậu thì nên cách ly người bệnh. Khi người bệnh có các bóng nước viêm tấy, yếu tay chân, sốt cao… thì cần nhanh chóng đến bệnh viện.
"Bệnh thủy đậu có thể gây ra các biến chứng viêm phổi, não, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết… Đặc biệt nguy hiểm đối với những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch (bệnh ung thư, thận…) rất dễ tử vong", bác sĩ Khanh nói.
Tiêm ngừa thủy đậu cho trẻ từ 12-18 tháng tuổi, tiêm nhắc sau đó để phòng ngừa cho trẻ và tiêm cho cả người lớn để phòng bệnh. Theo bác sĩ Khanh, khi bị bệnh, trẻ vẫn được ăn uống, tắm rửa, đi ra gió như bình thường chứ không kiêng cữ như dân gian đồn thổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.