Trẻ tím tái, coi chừng bị bệnh tim !

18/11/2007 22:20 GMT+7

Cơ thể trẻ bị tím tái khi vận động, gắng sức... có thể là triệu chứng của một loại bệnh tim bẩm sinh.

Những bệnh tim hay gặp ở trẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Định - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch (Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM): bệnh tim bẩm sinh ở trẻ có hai loại - có tím (cơ thể bị tím tái khi vận động, gắng sức...) và không tím. Trong đó, loại không tím chiếm tỷ lệ người bị bệnh nhiều hơn.

Loại không tím có những bệnh như: thông liên nhĩ, thông liên thất, kênh nhĩ thất, và một số bệnh lý ở van tim (như: hở van tim bẩm sinh, hẹp eo động mạch chủ...). Còn loại có tím chiếm khoảng 20% trong những ca mắc bệnh tim bẩm sinh. Thường gặp nhất trong bệnh tim có tím là "tứ chứng Fallot"; kế đó là bệnh "thất phải hai đường thoát"...

Tứ chứng Fallot

Bệnh nhi N.V.T.H (10 tuổi, ngụ ở TP.HCM) được phẫu thuật chữa tứ chứng Fallot tại Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) sáng 7.11 vừa qua. Trước đó, H. thường bị tình trạng tím tái cơ thể, người hay bị mệt... Tứ chứng Fallot gồm: thông liên thất lớn, động mạch chủ cưỡi ngựa trên vách liên thất (ở người bình thường van động mạch chủ nằm kế bên vách liên thất), dày thất phải, hẹp đường ra ở tâm thất phải (hẹp động mạch phổi). Triệu chứng thường gặp ở căn bệnh này ngay từ lúc trẻ mới được sinh ra, đó là: cơ thể, tay, chân thường xuyên bị tím tái (do thiếu máu nuôi). Tình trạng tím sẽ tăng khi trẻ khóc, trẻ vận động; người thường bị mệt và hay bị ngất xỉu...

Đặc điểm của tứ chứng Fallot là mỗi lần bị mệt, người bệnh nằm co quắp người lại, dùng hai tay ép đầu gối lên ngực thì sẽ đỡ mệt. Biến chứng của tứ chứng Fallot có thể gồm: cơn tím nặng có thể dẫn đến tử vong cho trẻ, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, suy tim phải, viêm phổi, tai biến mạch máu não...

Theo các bác sĩ, việc điều trị nội khoa (trước mổ) ở bệnh tứ chứng Fallot chỉ mang tính chất tạm thời, giúp giảm bớt các triệu chứng bệnh, để chuẩn bị cho điều trị ngoại khoa - phẫu thuật. Về phẫu thuật chữa trị, thường bác sĩ sẽ dùng phương pháp "phẫu thuật triệt để qua đường mở nhĩ phải và động mạch phổi", đây là phương pháp đã được chứng minh có hiệu quả, giúp bảo tồn được chức năng của thất phải, bảo tồn các lá van và vòng van động mạch phổi...

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.