Triệt để tiêm chủng phòng chống sởi

Duy Tính
Duy Tính
10/03/2019 04:45 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng "nguyên nhân của mọi nguyên nhân" khiến sởi bùng phát là do bố mẹ không tiêm ngừa sởi cho con, dẫn đến lây lan, và tiêm không đúng lịch.

[VIDEO] Bộ trưởng Y tế nói về việc chống sởi: “Kinh tế không có nhưng phải lo cho dân”
Trước tình hình 2 tháng đầu năm 2019 bệnh sởi tăng cao tại TP.HCM với hơn 2.634 ca (cả năm 2018 chỉ 1.693 ca), sáng 9.3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thị sát công tác phòng chống bệnh sởi tại Trạm y tế P.15 (Q.8); Bệnh viện Nhi đồng 1 và Sở Y tế TP.HCM. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặt vấn đề: Tiêm chủng vắc xin ngừa sởi tại TP.HCM mũi 1 đạt trên 95% và mũi 2 là 85%, nhưng vì sao bệnh sởi vẫn tăng?
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, lý giải việc quản lý dân cư, nhất là nguồn dân di cư biến động là rất khó; hằng năm có đến 4 - 5% trẻ chưa tiêm chủng mũi 1, cứ 4 - 5 năm như vậy thì số trẻ chưa tiêm rất lớn, khả năng mắc bệnh rất cao.
Mặt khác, tiêm chủng dịch vụ quy định thời gian tiêm trễ cũng khiến trẻ mắc bệnh gia tăng.
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng mấu chốt là tiêm chủng cho trẻ em để tạo miễn dịch cộng đồng và cắt đứt đường lây truyền. Giải pháp phòng chống sởi là phải giám sát phát hiện ca bệnh tại cộng đồng; chống lây nhiễm tại các bệnh viện điều trị; tiêm ngừa sởi cho cán bộ y tế...
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng "nguyên nhân của mọi nguyên nhân" khiến sởi bùng phát là do bố mẹ không tiêm ngừa sởi cho con, dẫn đến lây lan, và tiêm không đúng lịch. Do vậy nên “tiêm nhầm còn hơn bỏ sót” cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. Các bệnh viện cũng phải cách ly bệnh nhân từ khi đến khám bệnh, nằm điều trị và cả hồi sức tích cực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.