Vắc xin cúm đầu tiên trên thế giới được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo

Ngọc Quý
Ngọc Quý
20/07/2019 08:29 GMT+7

Lần đầu tiên trên thế giới , các nhà khoa học đã phát triển thành công loại vắc xin cúm mới bằng trí tuệ nhân tạo. Thành tựu này mở ra triển vọng sẽ tạo nhiều loại vắc xin tốt hơn với chi phí thấp đáng kể với trước đây.

Vắc xin cúm mới là kết quả ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của các nhà khoa học tại Đại học Flinder (Úc). Người đứng đầu nghiên cứu là giáo sư Nikolai Petrovsky, theo Business Insider.
Trước tiên, các nhà khoa học cung cấp thông tin để trí tuệ nhân tạo nhận biết tất cả hợp chất có thể kích hoạt hệ miễn dịch của con người và những hợp chất không làm được việc này.
Nhiệm vụ của trí tuệ nhân tạo là tự bản thân nó phân biệt được loại thuốc nào có hiệu quả trị bệnh và thuốc nào không. Chương trình trí tuệ nhân tạo này có tên là SAM, giáo sư Petrovsky cho biết.
Sau đó, nhóm nghiên cứu phát triển một chương trình khác gọi là nhà hóa học tổng hợp. Bằng cách tổng hợp các hóa chất riêng biệt, nó có thể tạo ra hàng nghìn tỉ hợp chất khác nhau. Những thông tin này sẽ được cung cấp cho trí tuệ nhân tạo để sàng lọc tất cả và tìm ra loại hợp chất có khả năng kích hoạt hệ miễn dịch tốt nhất cho con người.
Khi trí tuệ nhân tạo đã xác định một số hợp chất nhất định, các nhà khoa học sẽ tổng hợp và thử nghiệm những hợp chất này trực tiếp trên tế bào máu người để kiểm tra tính hiệu quả của chúng.
Quá trình này khẳng định trí tuệ nhân tạo không chỉ có khả năng xác định loại thuốc tốt mà còn tìm ra loại thuốc tốt nhất so với các loại thuốc hiện có. Đồng thời, nó giúp rút ngắn quá trình tìm kiếm và phát triển vắc xin cúm vốn kéo dài hàng thập niên, tiêu tốn hàng trăm triệu USD, giáo sư Petrovsky nói thêm.
Nghiên cứu được nhận tài trợ từ Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH). Hiện tại, vắc xin đang bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng trên động vật ở Mỹ, theo Business Insider.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.