Vì sao bệnh tay chân miệng năm nay trở nên nguy hiểm?

Duy Tính
Duy Tính
28/09/2018 16:19 GMT+7

Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) tăng và nhiều ca nặng do có sự thay đổi gien gây bệnh từ B5 sang C4 của chủng Enterovirus 71 (EV71), trong khi cộng đồng chưa có miễn dịch với gien gây bệnh này.

Tại khu vực 20 tỉnh phía Nam, số ca mắc TCM trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017 giảm 31%. Tuy nhiên, số ca tăng nhanh trong 4 tuần gần đây và cao hơn 50% so với cùng kỳ 2017. Đã có 6 ca tử vong do TCM ở phía Nam (Tây Ninh 2 ca; Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre mỗi tỉnh 1 ca).
Cộng đồng chưa có miễn dịch với gien gây bệnh mới
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, hiện nay, bệnh tay TCM đang vào mùa cao điểm (từ tháng 8 - 11).
Đây là bệnh lưu hành tại khu vực phía nam, mỗi năm ghi nhận 30.000-80.000 trường hợp mắc.
Số ca mắc trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017 giảm 31%. Tuy nhiên, số ca tăng nhanh trong 4 tuần gần đây và cao hơn 50% so với cùng kỳ 2017.
Hệ thống giám sát của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy có sự thay đổi thứ nhóm gien.
Theo đó, giai đoạn 2012 - 2017 ghi nhận sự lưu hành ưu thế thứ nhóm gien B5 và tăng dần thứ nhóm gien C4 (của chủng vi rút EV71). Sự dịch chuyển thứ nhóm gien khiến cho cộng đồng chưa có miễn dịch dễ xảy ra nhiều ca mắc hơn và làm gia tăng nguy cơ gây dịch lớn.
Bệnh nhi mắc TCM ở huyện Củ Chi, TP.HCM Duy Tính
Trong 2 tháng qua, dữ liệu giám sát vi rút của Viện Pasteur cho thấy tỷ lệ vi rút EV71 chiếm 25% số bệnh phẩm TCM, đặc biệt ghi nhận nhiễm thứ nhóm gien C4 đang lưu hành ưu thế hiện nay - đây là chủng dễ gây biến chứng nặng đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi, cao gấp 1,7 lần so với các thứ nhóm gien khác của EV71. Các biến chứng có thể gây tổn thương hệ thần kinh, hô hấp, tuần hoàn và có thể dẫn đến tử vong.
Nghiên cứu cho thấy EV71 gây biến chứng cao gấp 5,1 lần so với nhiễm các vi rút đường ruột khác.
Theo Viện Pasteur TP.HCM, trong 20 năm qua, vụ dịch TCM lớn nhất tại Việt Nam là năm 2011 với hơn 113.000 trường hợp mắc và 145 trường hợp tử vong, cũng do chuyển đổi sang thứ nhóm gen C4 này.
Trên thế giới, nhiều vụ dịch lớn do thứ nhóm gen C4 cũng được ghi nhận như tại Trung Quốc năm 2009 với hơn 1,5 triệu trường hợp mắc và 353 trường hợp tử vong; tại Campuchia năm 2012 với 54 trường hợp tử vong.
 TP.HCM đã có hơn 18.000 ca mắc
Ngày 28.9, Sở Y tế đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh TCM trong các trường mầm non, nhóm trẻ trên địa bàn Q.10.
Tại Trường mầm non P.1, Q.10 (điểm có 2 ca TCM trong cùng một lớp), theo Phòng Y tế Q.10, từ đầu năm đến nay, địa bàn có 374 ca bệnh, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2017.
Qua kiểm tra các trường, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chỉ đạo cần thêm bồn rửa tay cho trẻ (kể cả phụ huynh) trước khi vào lớp và sau khi rời trường, đồng thời phải nhắc nhở các cháu rửa tay thương xuyên. Giữ giường, ra, gối, sàn lớp sạch sẽ. Trường không được để xuất hiện thêm ca bệnh, nếu có thì phải dập ngay. Cán bộ y tế, các cô giáo phải theo dõi thường xuyên phát hiện sớm trẻ sốt, nổi bóng nước mà cách ly và báo cho ngành y tế.
Bệnh nhi điều trị TCM tại BV Nhi đồng 1 đến từ nhiều tỉnh phía Nam Duy Tính
Lãnh đạo Sở Y tế cũng giao Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP chuẩn bị tài liệu truyền thông phòng chống TCM với nội dung ngắn gọn gởi qua mạng xã hội cho phụ huynh.
Cùng ngày, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết trong một tháng qua bệnh TCM trên địa bàn TP tăng liên tục, tăng 47% so với tháng trước và tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017.
Hiện tại toàn TP có 18.694 ca bệnh TCM, trong đó có 3.195 nội trú và 15.499 ca ngoại trú, giảm từ 20 – 28% so với cùng kỳ năm 2017.
Phòng chống TCM ra sao?
Phó giáo sư - tiến sĩ Lân nhận định nguy cơ bùng phát dịch với số bệnh nhân TCM nặng là hiện hữu tại phía Nam nếu chính quyền, ngành y tế các cấp và cộng đồng không kiên trì thực hiện quyết liệt, liên tục, đồng bộ các biện pháp phòng bệnh.
“Trong bối cảnh bệnh TCM lây truyền theo đường tiêu hóa và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tại Việt Nam, các biện pháp phòng chống dịch cần căn cứ vào tình hình dịch, đặc thù của địa phương và tiến hành xử lý ngay trong vòng 48 giờ khi phát hiện trường hợp bệnh hay ổ dịch”, ông Lân nói.
Các biện pháp chung bao gồm:
Phát hiện, quản lý và điều trị bệnh nhân sớm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tuyên truyền trực và gián tiếp qua nhiều hình thức về bệnh, đường lây, đối tượng nguy cơ (bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi, người chăm sóc trẻ) và hành vi nguy cơ (như không rửa tay, mút tay, tiếp xúc với người mắc bệnh...).
Đặc biệt, thực hành 3 sạch: ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Khuyến khích người dân thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom và đổ phân và chất thải của bệnh nhân vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đối với từng hộ gia đình, người lớn và trẻ em đều cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch.
Người lớn nghi ngờ mắc bệnh hoặc tiếp xúc người bệnh thì không nên chăm sóc trẻ.
Khi trẻ bệnh cần cho trẻ nghỉ học và liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và xử lý kịp thời. Phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đối với nhà trẻ, mẫu giáo ngoài việc thực hiện triệt để các biện pháp trên cần đảm bảo có đủ xà phòng rửa tay tại từng lớp học; không nhận trẻ mắc bệnh ít nhất là 10 ngày kể từ khi trẻ phát bệnh và chỉ nhận lại trẻ khi trẻ hết loét miệng và các phỏng nước. Cô/thầy giáo nuôi dạy trẻ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ hằng ngày. Khi phát hiện trong lớp, trong trường có trẻ nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo cho gia đình và cán bộ y tế để xử lý kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.