Vì sao ngộ độc cá ngừ?

16/06/2009 12:01 GMT+7

Trong những ngày gần đây, tại TP.HCM và một số địa phương liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể sau khi ăn cá ngừ. Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Võ Hồng Minh Công - phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM - cho biết:

- Histamin là một chất gây dị ứng thường có trong thịt, cá. Đối với cá ngừ hay một số loại hải sản thường có nồng độ histamin nhiều hơn các loại cá, thịt khác. Đặc biệt, khi cá ngừ không còn tươi thì nồng độ histamin càng phát sinh nhiều hơn. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng là yếu tố góp phần làm cá mau bị ươn thối, phát sinh histamin. Khi ăn phải cá ngừ có nồng độ histamin càng cao càng có nguy cơ bị ngộ độc.

* Triệu chứng của dị ứng cá ngừ như thế nào, thưa bác sĩ?

- Khi ăn phải cá ngừ có nồng độ histamin cao quá mức cho phép thì khoảng 1-2 giờ sau người ăn sẽ bị ngộ độc. Nếu histamin tác động vào hệ thống da, người bệnh có triệu chứng thường gặp là nổi mẩn đỏ ngoài da, ngứa da; nếu histamin tác động vào hệ hô hấp sẽ làm  bệnh nhân phù nề thanh quản, dẫn đến khó thở; nếu histamin tác động lên hệ tiêu hóa thì bệnh nhân bị buồn nôn, tiêu chảy. Đối với một số người có sẵn cơ địa dị ứng với cá ngừ, tôm, cua... dù ăn phải cá ngừ có nồng độ histamin thấp vẫn có thể bị dị ứng với triệu chứng ngứa, nổi mề đay...

Những vụ ngộ độc liên quan đến cá ngừ

* Từ ngày 24 đến 28-6-2008, hơn 1.000 công nhân Công ty VMC Hoàng Gia (Tây Ninh) phải nhập viện với nguyên nhân ngộ độc do ăn cá ngừ có hàm lượng histamin vượt chuẩn an toàn đến tám lần...

* Ngày 11-6-2009, 172 công nhân thuộc Công ty TNHH công nghiệp thương mại Minh Nghệ, chuyên sản xuất giày da trên đường Tô Ngọc Vân, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM phải nhập viện nghi do dị ứng cá ngừ. Cùng ngày, 135 công nhân của Công ty giày Thượng Thăng (khu phố 4, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng phải nhập viện với các biểu hiện giống như dị ứng cá ngừ.

* Ngày 12-6-2009, hai vụ ngộ độc tiếp theo xảy ra tại Công ty TNHH Vĩ An (Khu công nghiệp Tân Bình, Q.Tân Phú) và Công ty TNHH sản xuất thương mại hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) với 76 công nhân nhập viện sau khi ăn cơm có món cá ngừ.

T.Dương

* Tại sao ăn cá ngừ dễ bị ngộ độc hơn các loại cá khác?

- Khác với một số loại cá biển khác, cá ngừ dù không còn tươi thịt vẫn cứng và không bị mềm nhão. Chính vì thế về mặt cảm quan, người mua cá rất dễ bị đánh lừa là cá còn tươi, ngon. Đó là chưa kể người bán cá đã ướp tẩm hóa chất không được phép sử dụng trong bảo quản thực phẩm như urê, hàn the để làm cho cá cứng. Người mua không biết cá đã ươn nên mua về nấu ăn và bị ngộ độc thực phẩm.

* Ngộ độc cá ngừ có nguy hiểm không, điều trị như thế nào?

- Ngộ độc cá ngừ đa số là nhẹ. Chỉ những trường hợp nào bị tiêu chảy nhiều, ói nhiều thì mới có thể bị tụt huyết áp do mất nước. Bị ngộ độc nhẹ, bệnh nhân chỉ nổi mẩn đỏ, ngứa ngoài da, chỉ cần đến cơ sở y tế địa phương uống thuốc kháng histamin là khỏi bệnh sau 2-3 ngày. Nếu bị ngộ độc nặng, ngoài nổi mẩn đỏ, ngứa, bệnh nhân còn bị buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu, chóng mặt, tụt huyết áp, phải nhập viện điều trị. Bác sĩ sẽ cho điều trị bằng thuốc kháng histamin (Chlopheniramine, Phenergan...) hoặc truyền dịch để bù lượng nước đã mất do nôn ói, tiêu chảy.

* Xin bác sĩ hãy cho một số lời khuyên để tránh ngộ độc do dị ứng cá ngừ?

- Tốt nhất nên mua cá ngừ ở siêu thị vì cá được bảo quản tốt, không bị hôi ươn, biến chất. Nếu mua cá ở ngoài chợ nên chọn những nơi bán có phương tiện bảo quản lạnh hoặc được bảo quản bằng đá cục (đá phủ kín lên cá). Hoặc chọn cá đã được ướp muối, khoanh cá khi cắt ra còn máu tươi. Tuy nhiên, cần lưu ý có khi người bán có thể dùng nước màu bôi vào cá để người mua nhầm là máu cá và chọn mua ngay vì tưởng cá còn tươi.

Đối với người đã biết mình có sẵn cơ địa dị ứng với loại thực phẩm này thì tuyệt đối không nên ăn cá ngừ, dị ứng lần đầu có thể nhẹ nhưng những lần sau sẽ nặng hơn...

Theo Lê Thanh Hà (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.