Vì sao nước bọt nhiều?

14/07/2009 15:20 GMT+7

(TNTS) Hỏi: Thưa bác sĩ, em 23 tuổi, là sinh viên, khoảng 3 năm trở lại đây em có một triệu chứng rất lạ, hễ cứ ngồi không hay miệng ngừng hoạt động (không ăn) thì nước bọt trong miệng lại bắt đầu kết tụ nhiều dần, gây cho em nhiều phiền hà trong sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là gây hôi miệng.

Khó chịu nhất là vào ban đêm, nước bọt làm cho em nhiều lần phải thức giấc nửa chừng để đi nhổ, gây mất ngủ trầm trọng. Đó có phải là một bệnh lý không, có thể khám ở đâu…? Em cảm ơn nhiều! <thanhtan@...>

- Trả lời: Chào em, nước bọt được tiết ra từ các tuyến nước bọt chính (tuyến dưới hàm, dưới lưỡi, tuyến mang tai). Các tuyến nước bọt nhỏ nằm rải rác khắp niêm mạc hầu họng. Trong nước bọt chứa men tiêu hóa, nhiều kháng thể, chất nhầy mucin… làm ẩm niêm mạc miệng, niêm mạc họng, giúp bôi trơn đường tiêu hóa trên, tiêu hóa thức ăn, chống sâu răng...

Tuyến nước bọt có 2 chức năng: nước bọt được tiết ra liên tục (tuyến dưới hàm, dưới lưỡi và tuyến nước bọt nhỏ); và tiết ra khi ăn (tuyến mang tai). Trong một số trường hợp bệnh lý hay sử dụng một số loại thuốc có thể gây ra giảm hoặc tăng tiết nước bọt. Có hai loại nguyên nhân gây tăng tiết nước bọt, nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý.

Sự tiết ra của nước bọt có tính phản xạ, chịu sự điều khiển của hệ thống thần kinh trung tâm, loại bệnh hay gặp ở phụ nữ có thai, bệnh Parkinson, người bệnh tai biến mạch não, bệnh tê liệt thần kinh mặt, di chứng viêm não… Ngoài ra, tăng tiết nước bọt còn gặp trong khi dùng thuốc như clozapin, các thuốc cholinergic… Hiện tượng tăng tiết nước bọt mang tính bệnh lý thường gặp ở bệnh viêm khoang miệng, viêm niêm mạc họng và khoang miệng bị kiềm acid ăn mòn, bị kích thích hoặc bị mưng mủ ở thành sau của họng, hầu họng và thực quản.

Ở trường hợp của em, tăng tiết nước bọt trong khi nghỉ ngơi (không trong bữa ăn) là chứng tăng tiết nước bọt của các tuyến dưới hàm, dưới lưỡi… Vì đây là triệu chứng biểu hiện của một số bệnh thuộc vùng tai mũi họng, hay có sử dụng thuốc làm tăng tiết nước bọt, nên em nên đến các cơ sở chuyên khoa tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt để khám xem nguyên nhân do đâu thì việc điều trị mới hiệu quả.

Thân!

Bác sĩ Phạm Thanh Sơn
(BV Phương Đông, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.