Sức mạnh thép cho ngư dân - Kỳ 9: Ngư dân cần thay đổi tư duy

27/06/2014 00:05 GMT+7

Đó là chia sẻ của ngư dân Lê Sang (29 tuổi, trú P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), người vừa hạ thủy tàu cá lưới vây Sang Fish 01 - tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân Đà Nẵng.

Đó là chia sẻ của ngư dân Lê Sang (29 tuổi, trú P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), người vừa hạ thủy tàu cá lưới vây Sang Fish 01 - tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân Đà Nẵng.

Sức mạnh thép cho ngư dân - Kỳ 9: Ngư dân cần thay đổi tư duy
Chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Đà Nẵng - Ảnh: L.S

Tàu Sang Fish 01 được đóng tại Công ty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh (thuộc TCT công nghiệp tàu thủy VN - SBIC), trị giá gần 11 tỉ đồng, do Sang và anh vợ là ông Phan Bé (trú H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) góp vốn 4 tỉ đồng, còn lại do SBIC ứng vốn, gia đình Sang trả dần trong 6 - 7 năm, không tính lãi.

Theo SBIC, Sang Fish 01 là loại tàu cá lưới vây rút chì, kết cấu hàn, chân vịt bước cố định được dẫn động bởi động cơ diesel, đảo chiều bằng hộp giảm tốc, ngoài boong chính còn có boong nâng phía mũi, buồng lái và thượng tầng ở đuôi tàu, đặc biệt phần mũi, đuôi, mạn tàu được gia cường thép dày chắc chắn chịu được đâm va, húc ủi.

 

Những con tàu nhỏ sẽ khó có thể phát triển do nguồn hải sản gần bờ sắp cạn kiệt. Phải đóng tàu  lớn, vỏ thép mới có thể ra khơi xa

Ngư dân Lê Sang

Tàu dài hơn 25 m, rộng hơn 7,8 m, chiều cao mạn 3,6 m, lượng choán nước hơn 180 tấn. Anh Sang cho biết tuy công suất chỉ gần 800 CV với 1 máy Cummins của Mỹ (còn mới hơn 90%) nhưng tàu được trang bị đầy đủ trang thiết bị hàng hải hiện đại như hệ thống ra đa, máy định vị, phao vô tuyến chỉ báo sự cố, thiết bị cứu hỏa, y tế. Tàu còn được trang bị máy tầm ngư hiện đại, quét đường kính 2 hải lý, sâu 1.000 m. Ngoài ra, với hệ thống hầm lạnh hiện đại, tàu còn có thể làm tàu dịch vụ hậu cần, bảo quản được gần 200 tấn hải sản đảm bảo chất lượng.

“Ngư dân ngay bây giờ phải thay đổi, nghề cá đang ngày càng hiện đại hơn, gói tín dụng của Chính phủ sẽ giúp phát triển nghề cá. Những con tàu nhỏ sẽ khó có thể phát triển do nguồn hải sản gần bờ sắp cạn kiệt. Phải đóng tàu  lớn, vỏ thép mới có thể ra khơi xa. Đầu tư hơn 10 tỉ đồng đóng tàu thép có nghĩa là ngư dân còn hơn một doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó đã đến lúc ngư dân phải chuyên nghiệp hóa, không thể giữ tư duy đánh bắt như xưa nay”, anh Sang nói.

Theo kinh nghiệm đóng tàu vỏ thép Sang Fish 01 của anh Sang, sự chuyên nghiệp phải bắt đầu ngay từ khâu chuẩn bị kỹ càng, chi tiết từ dự án, bản vẽ, chứ khi đặt bút ký là cứ vậy mà đóng, rất khó điều chỉnh phát sinh theo ý mình, thậm chí phải chấp nhận mất vài chục triệu đồng thuê đơn vị chuyên môn giám sát thi công.

Sang chia sẻ thêm, với khối tài sản cả chục tỉ đồng như vậy, ngư dân cần góp vốn, tốt nhất là từ 2 - 3 người cùng khai thác tàu để chia sẻ trách nhiệm, phòng trường hợp người này gặp sự cố thì người kia gánh vác, đảm bảo con tàu vận hành trơn tru, hiệu quả, đây là điều khó khi tâm lý ngư dân xưa nay vẫn thích tự làm một mình, mà như vậy rất rủi ro trước khối tài sản lớn. “Đối với mô hình thí điểm tàu cá Sang Fish 01, ngư dân chịu 30%, 70% vốn do SBIC đầu tư và cho ngư dân trả dần, nhưng hình thức này vẫn chưa hấp dẫn giúp ngư dân mạnh dạn đầu tư vì SBIC mới là chủ tàu thật sự, còn ngư dân chỉ làm thuê trên chính tàu mình. Do đó, sẽ xảy ra nhiều vấn đề khi gặp thiên tai, làm ăn thua lỗ liên quan đến quyền phát mãi mà ngư dân không chủ động được. Tôi hy vọng gói ưu đãi Chính phủ ra đời với mức vay đến 95%, lãi 1% thì ngư dân sẽ chủ động hơn vì họ thật sự làm chủ con tàu của mình”, Lê Sang nói.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.