Sức mua thấp, người bán lo lắng

10/01/2022 06:40 GMT+7

Thực phẩm, bánh kẹo, vé tàu xe - máy bay Tết này đều giảm. Không khí mua sắm trầm lắng các nơi khiến nhiều người bán lo lắng, không dám tích trữ hàng nhiều như các năm trước.

Máy bay, tàu, xe đều ế vé

Chị N.H (ngụ Q.4, TP.HCM) chần chừ mãi chưa đặt vé Tết về Bắc. Bố mẹ giục mãi, chị mới rục rịch kiếm. Nhưng 3 ngày, ra 3 kết quả khác nhau. Lần đầu chị đặt tìm vé khứ hồi TP.HCM - Hà Nội của Vietnam Airlines cho 4 người vào ngày vàng tổng tiền hết khoảng 24 triệu đồng. Nhưng do lịch thay đổi, chị chưa đặt. Lần thứ 2, ngày 7.1 chị đặt lại giá giảm xuống còn 22,5 triệu đồng. Do công việc lu bu, chị quên chưa thanh toán nên hôm sau phải đặt lại thì giá vé giảm xuống còn 19,6 triệu đồng vẫn cùng hãng bay, giờ bay, số lượng người. “Lần đầu tiên tôi thấy vé Tết giảm mạnh như vậy”, chị N.H nói. Giá tàu xe, máy bay Tết chưa bao giờ rẻ như thế cũng là nhận xét của rất nhiều người con xa xứ dịp Tết năm nay. Nhưng về Tết hay không lại là chuyện khác.

Hàng hóa về ngập chợ chờ bán Tết nhưng tiểu thương vẫn đợi khách

đào ngọc thạch

Chị D.H cho biết, hơn 20 năm học, làm việc, lấy chồng, sinh con ở TP.HCM nhưng năm nay là năm đầu tiên chị không về quê ở một tỉnh miền Trung ăn Tết. “Tôi có người bạn về rồi mà bị cách ly. Tết được nghỉ vài ngày, nếu phải cách ly thì mất Tết. Thôi năm nay ở lại ăn Tết trong này”, chị giải thích. Chị N.N (quê Thừa Thiên-Huế) đến giờ vẫn lưỡng lự không biết nên về hay ở. “Nhà có 2 mẹ con, ở thì buồn nhưng về dịch giã thế này, ở ngoài đó mọi người sợ lắm. Có về cũng chỉ ở trong nhà, không đi chơi đâu được”, chị N. nói. Chị T.X (quê Đà Nẵng) lại rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Đợt dịch bùng phát ở Đà Nẵng, chồng con chị ra thăm bà nội rồi mắc kẹt luôn mấy tháng nên con trai chị giờ không chịu về quê. “Lại đang dịch bệnh thế này nên gia đình cứ chần chừ mãi, không biết có về hay không”, chị X. cho hay.

Mỗi người một lý do nên vé máy bay, tàu, xe dịp Tết ế ẩm dù giá giảm.

Đặc sản cũng ế

Bò một nắng, đặc sản Gia Lai giá 500.000 đồng/kg tặng kèm hũ muối kiến cũng đặc sản vùng này, được chị My (ở Q.Tân Phú, TP.HCM) rao bán gần một tháng qua nhưng tới giờ người mua vẫn thưa thớt. Đã tham gia bán các loại bánh mứt, đặc sản dịp Tết trên mạng xã hội được hơn 5 năm, nhưng theo chị My, chưa năm nào “ế” như năm nay. Các năm trước lượng đơn hàng trước Tết một tháng đã dồn dập khiến cả nhà chị “chạy không kịp thở”. Chị My bán các loại khô như bò, heo, hạt điều. Tết năm ngoái, chị bán được hơn cả trăm ký khô bò từ người nhà ở Quảng Ngãi gửi vào, tăng gấp đôi so với năm trước đó. “Không có hàng nào dám tăng giá mà chỉ giữ nguyên hoặc tặng kèm quà, miễn phí giao hàng khi mua nhiều nhưng gặp ai cũng than năm nay làm ăn khó quá. Ngay cả những khách hàng năm trước đặt mua rất nhiều để tặng mà nay cũng nói để suy nghĩ xem chọn quà gì ít tiền hơn thôi. Nghe nẫu cả ruột”, chị My nói thêm.

Chị Phương, chủ cửa hàng Đặc Sản Việt (Q.4, TP.HCM), cho biết đến nay chỉ lác đác vài khách hỏi thăm, đa số mua hàng thực phẩm thiết yếu sử dụng như ngày thường. Điều này khiến chị không dám lấy hàng về trữ sẵn mà đợi khách mua bao nhiêu thì mới gom lại lấy đủ số lượng để bán.

Với ngành hàng bánh kẹo, Tết luôn là mùa cao điểm nhất trong năm với mức tăng từ 150 - 200% so với tháng bình thường. Năm nay, ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Bibica, ước tính sản lượng bán ra của công ty giảm khoảng 10% so với Tết trước. “Có một lợi thế cho hàng trong nước là chuỗi cung ứng toàn cầu, vận chuyển hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn nên lượng hàng nhập khẩu về VN ít hơn trước. Vì vậy, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước đã có thương hiệu và giá bán hợp lý, thậm chí có thể gia tăng thị phần nhân mùa Tết”, ông Hoàng lạc quan.

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận định sức mua dịp Tết năm nay sẽ giảm gần 30% so với các Tết trước đây. Bởi đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của đại đa số người dân khiến họ phải thắt chặt chi tiêu. Đồng thời, nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn neo ở giá cao. Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất giảm 2% cho thuế GTGT là chưa đủ để kích cầu. “Ngoài việc nên xem xét giảm thêm thuế GTGT thì cần nhất là Chính phủ hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp để khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động...”, ông Phú đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.