Sức sống làng dệt thổ cẩm Srây Skốth

29/10/2012 09:27 GMT+7

Trải qua bao thăng trầm, làng dệt thổ cẩm Srây Skốth thuộc xã Văn Giáo (H.Tịnh Biên, An Giang) vẫn đứng vững và lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.

Cha truyền con nối

Về phum Srây Skốth vào những ngày tháng 10, chúng tôi thấy nhiều phụ nữ Khmer đang ngồi bên khung cửi dệt những chiếc xà rông với gam màu sặc sỡ. Âm thanh lách cách phát ra từ chiếc thoi của khung cửi nghe rất vui tai. Ông Chau Mum (72 tuổi), một già làng tâm huyết với nghề suốt mấy chục năm qua, cho biết nghề dệt tại phum đã có từ bao đời nay. Vào lúc thịnh, nhà nào cũng nuôi tằm, se tơ. Mỗi hộ thường có 2 chiếc xa quay, khung dệt và làm suốt ngày để bán qua Campuchia. Nhiều bậc cao niên trong phum mua tơ từ Tân Châu (An Giang) hay TP.HCM để dệt ra loại lụa óng ả và mềm mại. Không những thế, họ còn sáng tạo ra kỹ thuật dệt độc đáo, chỉ có ở làng dệt Srây Skốth.

 Dệt thổ cẩm
Chị Neang Sa My đang dệt xà rông (Trường An).

 
Chị Neang Sa My chia sẻ: “Được chính quyền địa phương quan tâm mở lớp đào tạo để duy trì và phát triển làng nghề, chúng tôi rất mừng. Trong quá trình dạy và học gặp không ít khó khăn nhưng ai cũng cố gắng. Bình quân, mỗi ngày 2 người dệt được 1 khăn xà rông, bán khoảng 400.000 đồng, trừ chi phí đi cũng kiếm lời khoảng 150.000 đồng. Sản phẩm làm ra chủ yếu được tiêu thụ tại địa phương, TP.HCM, Hà Nội và Campuchia”.

Hai con gái ông Chau Mum, chị Neang Sa My và Neang Sa Thy là người dệt thổ cẩm có tiếng ở đây. Chị Neang Sa My vừa được UBND xã Văn Giáo chọn đứng lớp dạy cho 12 chị em trong phum. Ông Chau Mum phấn khởi cho biết: “Mới dạy khoảng 4 tháng nhiều chị em đã biết dệt khăn choàng tắm. Nhưng muốn biết bắt bông trơn hay bông dâu thì phải học lớp nâng cao mới dệt được”.

Hiện tại trong xã có khoảng 70 hộ với 127 thợ dệt theo nghề truyền thống này. Mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ 1 khung dệt trị giá 1,5 triệu đồng và cho vay 3 triệu đồng lãi suất thấp để mua nguyên liệu. Nhờ vậy mà nhiều hộ trong phum có việc làm và thu nhập ổn định.

Vang danh lụa Srây Skốth

Nhiều người Campuchia đã bất ngờ khi thấy lụa phum Srây Skốth đẹp và tốt hơn hàng bản xứ của họ. Lụa Campuchia thường nhuộm bằng hóa chất nên mình vải thô cứng và không bền. Lụa Srây Skốth nhuộm bằng các loại thảo dược theo phương pháp cổ truyền nên màu sắc lâu phai, càng mặc càng óng ả. Hoa văn được dệt rất công phu: “Lụa dùng cho trang phục thường thì dệt hoa văn hình vuông, hình tròn hoặc đa giác đều, dân trong nghề gọi là bắt bông trơn. Lụa dùng làm thảm, rèm, trướng... khó dệt hơn thì bắt bông dâu”, ông Chau Mun giải thích tỉ mỉ.  Độc đáo hơn cả là các nghệ nhân Srây Skốth đã áp dụng kỹ thuật dệt 3 lớp tơ với 3 gam màu khác nhau trên cùng 1 mảnh lụa. Chính kỹ thuật này làm cho người mặc tấm lụa khi đứng có màu xanh, lúc ngồi ngả sang màu đỏ, lúc nhìn nghiêng lại có màu cam.

Ông Chau Tài, Phó chủ tịch UBND xã Văn Giáo, cho biết ngoài lớp dạy tại nhà ông Chau Mum, hiện nay xã đã củng cố khoảng 150 học viên để khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Các học viên được hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ngày trong suốt 9 tháng. Trước đó, tranh thủ nguồn vốn từ chương trình 135, chính quyền địa phương đã mở rộng tuyến đường Văn Râu dài 1,5 km, từ tỉnh lộ 948 dẫn vào làng dệt thổ cẩm với tổng kinh phí đầu tư 1,5 tỉ đồng nhằm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Mới đây, UBND xã vừa phối hợp với Ban chủ nhiệm HTX dệt thổ cẩm Văn Giáo xét tuyển 13 chị em có tay nghề cao và đã bình chọn được 5 nghệ nhân, thợ giỏi để đề nghị cấp trên công nhận danh hiệu.

Trường An

>> Ngọc Hân, Huyền Trang mang thổ cẩm Việt đến Pháp
>> Minh Hạnh mang thổ cẩm đến Lễ hội quốc tế về dệt may đặc biệt
>> Tây học dệt thổ cẩm, đan gùi
>> Đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho thanh niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.