'Sully' - Chuyện hậu trường đằng sau một tác phẩm đầy cảm xúc

12/09/2016 11:15 GMT+7

Được xây dựng dựa trên một sự kiện có thật xảy ra vào tháng 1.2009, Sully (tựa Việt: Cơ trưởng Sully ) là bộ phim đánh dấu lần đầu tiên hợp tác của đạo diễn Clint Eastwood và nam diễn viên nổi tiếng Tom Hanks.

Bộ phim khai thác một cách chân thực phần tiếp theo của câu chuyện mà giới truyền thông từng ca tụng bằng cụm từ mỹ miều “phép màu trên sông Hudson”. Chiếc máy bay dân dụng chở 150 hành khách và 5 thành viên của tổ bay đã hạ cánh xuống sông một cách an toàn, trong sự ngạc nhiên tột độ của mọi người.
Nhưng không ai có thể ngờ được rằng cơ trưởng Sully, người phi công dày dạn kinh nghiệm với khả năng xử lý tình huống xuất sắc, đã bị Ban An toàn giao thông Quốc gia Hoa Kỳ (NTSB) liên tục triệu tập và yêu cầu phải giải trình về hành động của mình. Chính phần sau của câu chuyện “phép màu” này đã góp phần tạo nên một Cơ trưởng Sully đầy sắc thái cảm xúc, rung động và chân thực, tạo tiền đề để Tom Hanks có dịp tiếp tục thể hiện khả năng diễn xuất của mình, đồng thời tiếp tục trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá của giải Oscar sắp tới.
Và dù không mang trong mình quá nhiều kỹ xảo hay nhưng cảnh quay quá nguy hiểm, đột phá, Sully vẫn được đoàn làm phim của đạo diễn khó tính Clint Eastwood trau chuốt một cách cẩn trọng, công phu nhất nhằm mang đến những cảm xúc tuyệt vời nhất cho khán giả.
Những cảnh quay chân thực
Những cảnh quay ngoại cảnh của Cơ trưởng Sully được thực hiện tại rất nhiều địa điểm ở New York (Mỹ). Để có thể chuyển thể câu chuyện lên màn ảnh rộng, đạo diễn đã phối hợp chặt chẽ với đội ngũ cộng sự tài ba, trong đó bao gồm quay phim Tom Stern, thiết kế sản xuất James J. Murakami, thiết kế phục trang Deborah Hopper và biên tập Blu Murray.
Những cảnh quay trên sông vô cùng ấn tượng.
Những cảnh quay trên sông vô cùng ấn tượng Ảnh: CGV cung cấp
Những cảnh quay khi chiếc máy bay hạ cánh đã được ghi hình tại cầu George Washington bắc ngang sông Hudson, tòa cao ốc Time Warner Center và vòng xoay Columbus Circle. Cầu cảng Pier 81 nằm gần Intrepid đã được sử dụng để làm địa điểm thực hiện những cảnh quay tái hiện hoạt động của đội cứu hộ đường thủy New York trong ngày hôm đó.
Khoang hành khách của chiếc máy bay Airbus 320 đã được dựng lên tại Sân khấu 19 ở trường quay của Warner Bros. Nhưng do ở Hollywood không có nhiều bể nước có kích thước phù hợp một chiếc máy bay với chiều dài hơn 42 m nên đoàn làm phim đã di chuyển tới trường quay của hãng Universal và ghi hình tại sân khấu Falls Lake ở đây.
Thiết kế phục trang công phu
Deborah Hopper, nhà thiết kế đã từng cộng tác với Eastwood trong khoảng 20 bộ phim, đảm nhận trọng trách góp phần phản ánh lại chân thực sự kiện thông qua trang phục của các nhân vật. Để chuẩn bị cho bộ phim này, Deborah đã phải tìm hiểu hàng loạt các tư liệu trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau để có thể đưa ra những ý tưởng phù hợp trong các mẫu áo quần dành cho hành khách của chuyến bay cũng như các nhóm cứu hộ.
Nhà thiết kế nhận định: “Các bộ đồng phục mà Sully và Skiles khoác lên người sẽ phải giống hệt với những mẫu áo quần mà các phi công của US Airline sử dụng vào thời điểm đó. Sau khi chiếc máy bay hạ cánh khẩn cấp, cả hai người đều bị ướt sũng, và chúng tôi đã thiết kế một số bộ trang phục bình thường để họ mặc trong suốt khoảng thời gian bị các nhà chức trách gọi tới để điều tra”.
Một trong số những thách thức lớn nhất mà nhóm thiết kế gặp phải đó chính là trang phục của các diễn viên khi đang trôi nổi trên dòng sông. Hopper cho biết: “Chúng tôi đã phải thiết kế vô số các món phục trang khác nhau để có thể vừa giúp các diễn viên cảm thấy thoải mái khi nhập vai lại vừa đảm bảo được tính chân thực cho hình ảnh".
Âm nhạc ấn tượng
Âm nhạc góp phần rất lớn vào việc điều tiết cảm xúc của phim. Ảnh: CGV cung cấp.
Âm nhạc góp phần rất lớn vào việc điều tiết cảm xúc của phim Ảnh: CGV cung cấp
Với một câu chuyện về niềm hi vọng, lòng dũng cảm và sự kiên cường, đạo diễn Clint Eastwood mong muốn âm nhạc của bộ phim phải giúp phản ánh chính xác những gì mà toàn bộ hành khách và phi hành đoàn của chiếc máy bay mang số hiệu 1549 đã trải qua trong ngày hôm đó, giúp khán giả thực sự chìm đắm trong không gian của bộ phim.
Bên cạnh việc mời Christian Jacob và ban nhạc The Tierney Sutton Band phụ trách mảng âm nhạc của phim, Eastwood đã cùng với Tierney Sutton và J.B. Eckl viết nên bài hát có tên gọi Flying Home (Theme from ‘Sully’) được trình bày bởi ban nhạc The Tierney Sutton Band để làm ca khúc chủ đề của phim.
Bài hát này đã khiến cho Sully, Lorrie Sullenberger cùng hơn 50 hành khách đã được cứu sống trong vụ việc đó cảm thấy vô cùng xúc động khi họ cùng nhau tụ tập tại Bảo tàng Hàng không Carolinas được đặt tại North Carolina, nơi mà chiếc máy bay Airbus hiện vẫn đang được trưng bày như một biểu tượng của kỳ tích phi thường mà tất cả mọi người đã cùng nhau lập được vào ngày hôm đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.