Sum vầy bên gia đình trong ngày mồng một tết

Lê Thanh
Lê Thanh
05/02/2019 16:01 GMT+7

Với người Việt Nam, ngày mùng một tết rất quan trọng vì khởi đầu cho một năm mới. Và đây cũng là ngày mọi gia đình họp mặt đông đủ cùng những lời chúc may mắn đầu năm.

Anh Nguyễn Văn Đức (35 tuổi), ngụ tại ấp Bình Đức, xã Bình Ba, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), chia sẻ: “Sáng mùng một tết hai vợ chồng mình thức dậy rất sớm để chuẩn bị quần áo mới cho con trai, sau đó mới đến lượt hai vợ chồng. Chuẩn bị xong rồi thì qua chúc tết, mừng tuổi cho ba mẹ và thắp nhang cho ông bà tổ tiên. Tiếp đến là ghé qua thăm và chúc tết gia đình bên vợ vì hai gia đình nội ngoại chỉ cách nhau chỉ khoảng 1km”.
Chụp hình trước bàn thờ tổ tiên ngày mùng một tết Ảnh: Lê Thanh
Chị Lê Thị Nhật Thiện, vợ của anh Đức, chia sẻ thêm: “Sau khi đi thăm và chúc tết gia đình hai bên xong, mình thường theo mẹ và mấy anh chị em ruột đi chùa cúng dường; xin xăm, xin lộc để cầu mong cho tất cả mọi người một năm có nhiều sức khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn, thuận buồm xuôi gió”.
Gia đình quay quần bên những cành mai vàng Ảnh: Lê Thanh
Cũng ở tại ấp Bình Đức (xã Bình Ba) nhưng chị Mai Thanh, cho biết: “Sáng mùng một tết ba mẹ mình gọi mấy anh chị em trong nhà dậy sớm chuẩn bị mặc quần áo tươm tất và tập trung lại trước phòng khách để ba mẹ lì xì chúc tết, rồi cả nhà chụp vài tấm hình bên những cành hoa mai vàng rực để lưu lại khoảnh khắc ngày đầu năm mới. Sau đó cả nhà cùng nhau đi thăm, chúc tết bên nội, bên ngoại. Chúc tết bà con xong, thì tối mùng một tết cả nhà tập trung quay quần bên mâm cơm ăn chung một bữa đầu năm”.
Niềm vui khi nhận được tiền lì xì của ba mẹ  Ảnh: Lê Thanh
Nói về ngày mùng một tết của gia đình mình, anh Lê Văn Sâm, ngụ tại 91 Lạc Long Quân, tổ 5, ấp Kim Giao, thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức), bộc bạch: “Sáng mùng một mình thường ở nhà đợi những người thân quen đã hẹn trước đến xông đất (người đến nhà đầu tiên của ngày đầu năm, tục lệ đã có lâu đời ở Việt Nam). Sau đó thì vợ chồng và con cái chở nhau qua thăm chúc tết gia đình nội, ngoại, cô dì, chú bác”.
Mẹ dẫn con trai đi chúc tết bà ngoại vào ngày mùng một tết Ảnh: Lê Thanh
Còn  Nguyễn Thị Kim Xuyến (quê tỉnh Tiền Giang), thành viên của Nhóm tình nguyện Sắc màu cuộc sống (TP.HCM), kể: “Bao giờ cũng vậy, ngày mùng một tết cả nhà mình quây quần lại gói bánh tét theo kiểu của người miền Tây. Bánh tét của người miền Tây sẽ có hai loại nhân: nhân đậu xanh và nhân chuối. Nhân đậu xanh nhà mình gói không có thịt mỡ, chỉ có nếp, nước cốt dừa, nêm xíu muối xào lên cho chín rồi cuộn nhân bên trong. Mình thích bánh tét nhân chuối hơn, cái bánh nóng hổi vừa vớt ra, mùi thơm nức mũi, cắn một cái, vị béo ngậy của dừa, dẻo thơm của nếp và ngọt ngào tan chảy của chuối sẽ là một cảm giác bạn không thể nào quên trong cuộc đời đó”.
 
Tết là dịp để các thế hệ trong gia đình gặp nhau Ảnh Lê Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.