Nói về chuyện VĐV Tây Á đổi đời sau một kỳ Olympic, câu chuyện của Tareg Hamedi là minh chứng tiêu biểu. 3 năm trước, từ chỗ là một VĐV với xuất phát điểm khiêm tốn, Hamedi đã vụt sáng, trở thành người hùng dân tộc và triệu phú chỉ sau một đêm, sau khi mang về tấm HCB Olympic thứ hai trong lịch sử cho Ả Rập Xê Út ở môn karate.
Tại Olympic Tokyo, Hamedi đã bỏ lỡ cơ hội giành HCV Thế vận hội đầu tiên trong lịch sử cho thể thao Ả Rập Xê Út. Trong trận chung kết gây tranh cãi, Hamedi đã đánh bại đối thủ bằng cú đá cao chân. Tuy nhiên, trọng tài cho rằng cú đá của VĐV Ả Rập Xê Út đã quá cao, trái luật và gây nguy hiểm cho đối thủ. Anh bị xử thua, nhận HCB.
Dù vậy, Thái tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Xê Út khẳng định với Hamedi rằng anh mới là người chiến thắng trong mắt người dân nước này. Hamedi được thưởng 1,33 triệu USD (khoảng 33 tỉ đồng), đó là khoản tiền mà Ả Rập Xê Út đã hứa thưởng cho các VĐV đoạt HCV Olympic. Anh đổi đời, trở thành triệu phú ở đất nước Tây Á.
Trong khi giới thể thao mải tranh luận về quyết định của Liên đoàn Điền kinh thế giới, khi trao thưởng 50.000 USD (1,2 tỉ đồng) cho các chân chạy đoạt HCV, những VĐV Tây Á thực ra không quá quan tâm đến khoản thưởng từ ban tổ chức giải, hay bất cứ tổ chức quốc tế nào khác. Bởi những khoản thưởng ấy chẳng thấm vào đâu so với tiền thưởng mà quốc gia của những VĐV này sẽ trao tặng, một khi họ mang về huy chương Olympic (bất kể là huy chương gì).
Vận động viên sẽ ăn gì tại Olympic Paris 2024?
So với những nền thể thao hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp, Vương quốc Anh... các quốc gia Tây Á hiếm khi đoạt huy chương Olympic. Ở Olympic Tokyo cách đây 3 năm, Qatar là nước Tây Á giàu thành tích nhất với 2 HCV và 1 HCĐ, đứng hạng 41, còn Ả Rập Xê Út chỉ đứng hạng 77, với 1 tấm HCB duy nhất của Hamedi.
Nhưng nếu đoạt huy chương, có lẽ không VĐV nước nào "sướng" như Tây Á. Bên cạnh khoản thưởng khổng lồ lên đến hàng triệu USD từ chính phủ, các VĐV có thành tích ở Olympic còn được cấp đất đai, biệt thự và siêu xe.
Đơn cử, đội tuyển U.23 Iraq đã được thưởng đất đai và tiền từ lãnh đạo quốc gia sau khi đoạt vé đến Olympic Paris 2024 (thắng U.23 Indonesia ở trận tranh hạng ba). Không chỉ các nước Tây Á, một số quốc gia Ả Rập như Algeria, Ma Rốc cũng thưởng lớn, lên tới vài trăm nghìn USD cho những VĐV có huy chương tại Thế vận hội năm nay.
Thậm chí, Reuters khẳng định: những VĐV Tây Á đoạt huy chương Olympic còn được lưu danh muôn thuở, khi sẽ có những con đường, trường học, cầu... được đặt theo tên của họ. Đó là món quà mang ý nghĩa tinh thần vô giá, bên cạnh những thứ xa xỉ như tiền bạc, xe hơi, đồng hồ...
Bên cạnh khoản treo thưởng hậu hĩnh, có những quốc gia Tây Á, điển hình là Qatar, còn dùng tiền để... chiêu mộ VĐV các nước khác. Không có nhiều VĐV giỏi, Qatar đã sử dụng ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút những VĐV tài năng từ quốc gia khác, để mang đi chinh chiến ở những đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic.
Tại Olympic Tokyo 2020, VĐV Fares Ibrahim Hassouna (Ai Cập) đã đánh đổi lòng trung thành để đổi lấy tiền bạc, khi chuyển sang khoác màu áo Qatar. Sau đó anh đoạt tấm HCV Olympic đầu tiên trong lịch sử cho Qatar. Liên đoàn Cử tạ Ai Cập khẳng định hành động của Hassouna là không thể chấp nhận.
Chủ tịch liên đoàn, ông Mahmoud Mahgoub cho biết: "Họ chi tiền cho anh ta cứ như các CLB bóng đá chi tiền mua cầu thủ vậy".
Tại Olympic Paris 2024, sẽ có những VĐV Tây Á như Hassouna, thi đấu với khát vọng đổi đời.
Bình luận (0)