“Xét lại quá trình làm việc của mình, tôi đã từng cứu sống lại những bộ môn tưởng đã tàn rụi tựa cây khô thiếu nước như nghệ thuật ca trù, chầu văn, nhạc cung đình Huế”, GS Trần Văn Khê nói.
Chuyên gia UNESCO phỏng vấn GS Trần Văn Khê về nhạc dân tộc - Ảnh: Trinh Nguyễn chụp lại từ tư liệu của GS Khê |
Vào “sổ đen” vì nhạc dân tộc
“Qua truyền hình trực tiếp đêm giao thừa, chúng tôi muốn dành tặng người có công với cồng chiêng Tây nguyên - GS Trần Văn Khê bài chiêng này”. GS Tô Ngọc Thanh dứt lời cũng là lúc dàn cồng chiêng Gia Lai lên tiếng. GS Trần Văn Khê lặng người trước màn hình, khóc lặng lẽ. Hai bàn tay thuộc không biết bao nhiêu ngón đàn bám chặt vào thành ghế của chiếc xe lăn.
“Thời điểm đó là giao thừa năm 2006, khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên vừa trở thành di sản văn hóa thế giới”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nhớ lại.
“Tôi rất bất ngờ và cảm động khi biết mình nhận được một giải thưởng thật cao quý mang tên chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, vị tiền bối tôi ngưỡng mộ từ nhỏ qua một người thân”, vị giáo sư nói trong diễn văn đáp từ ngày trao giải. “Lúc 5 tuổi, tôi đã có dịp chứng kiến cô Ba vì tỏ lòng quý trọng người yêu nước thương dân mà tham dự lễ quốc tang chí sĩ Phan Châu Trinh tổ chức rộng rãi ở khắp ba kỳ năm 1926. Sau đó cô bị chính quyền nhà nước Pháp thuộc thời bấy giờ cho thôi việc”.
|
Có lẽ những ngày niên thiếu với người cô ruột yêu nước đã phần nào tạo nên lòng yêu nước “bướng bỉnh” của ông. Trong cuộc đời mình, không chỉ một lần, vì yêu nước, yêu nhạc dân tộc mà GS Khê gặp khó khăn. Nhưng không lần nào ông chịu từ bỏ tình yêu đó.
Năm 1949, do tham gia kháng chiến bị lộ nên ông sang Pháp để “tạm lánh”. Chàng thanh niên Trần Văn Khê khi đó không thuộc diện cấp học bổng. “Chỉ có cách nếu tôi làm đơn khai là nạn nhân chiến tranh ở đất thuộc địa... Tôi không đồng ý làm đơn, vì tôi hưởng ứng chiến tranh giành độc lập cho dân tộc chứ không phải là nạn nhân chiến tranh”, GS Khê nhớ lại.
Ít lâu sau, cơ hội học bổng của Trường Michigan (Mỹ) lại đến. Cùng lúc, ông có cơ hội dự Đại hội Thanh niên tổ chức tại Budapest (Hungary). Chàng thanh niên đã đến Budapest để giới thiệu âm nhạc truyền thống của nước Việt Nam đang tranh đấu giành tự do.
“Khi qua tới nơi, đoàn đại biểu các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên Xô mang theo lực lượng hùng hậu”, GS Khê viết trong hồi ký. Còn ông, lên sân khấu chỉ với cây đờn cò và đờn tranh vô cùng khiêm tốn.
“Tôi vừa biểu diễn vừa cắt nghĩa cách sử dụng các cây đờn, đờn cò “đổ hột” thế nào, nhấn, vuốt, rung ra sao; giới thiệu đờn tranh có thể nhấn từ nửa bậc đến một bậc, hai bậc, hai bậc rưỡi trên một dây, có nhấn rung, nhấn vuốt, nhấn mổ...”.
Kết quả, đoàn Việt Nam đứng hạng nhì. Cờ Việt Nam là một trong số ít cờ được kéo lên tại liên hoan đó. Khi trở về Pháp, ông bị ghi tên vào sổ bìa đen của chính quyền sở tại. Học bổng du học Mỹ cũng chính thức đóng lại.
Mong ước đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường
|
Nhưng âm nhạc lại mở cho ông con đường về nhà khác, bất ngờ hơn và cũng vô cùng danh giá. Năm 1993, Tổng thống Pháp François Mitterrand đã mời ông vào phái đoàn Pháp cùng đi trong chuyến công du chính thức sang Việt Nam.
GS Khê dù ở trong phái đoàn Pháp nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam.
Kết thúc chuyến đi, trở về Pháp, ông được Chính phủ Pháp hỏi ý kiến về một chính sách với Việt Nam thiết thực và có hiệu quả hơn. Ông viết một báo cáo ngắn gọn trong đó có đưa ra đề xuất cấp học bổng cho người Việt Nam, đề xuất những hoạt động âm nhạc, trao đổi văn hóa giữa hai nước.
Tháng 4.2004, ông về nước giảng dạy tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, thể nghiệm chương trình “Đem âm nhạc dân tộc vào cấp tiểu học tại châu Á”, do UNESCO tài trợ. Học trò được học cách sử dụng nhạc khí, hát ru, đồng dao, hò vè. Sau đó, các em học đến các chữ nhạc hò, xự, xang, xê, cống. Khi đã chép nhạc thuần thục theo phong cách truyền thống, các em học chép nhạc theo phương Tây.
Chương trình thể nghiệm này sau đó được bà Tereza Wagner, Trưởng phòng Nghệ thuật và Kế hoạch văn hóa của UNESCO giới thiệu tại Lisbon, Bồ Đào Nha trong chương trình về thể nghiệm nhạc truyền thống. Đáng tiếc, sau đó ở trong nước, chương trình đã không thể tiếp tục thực hiện.
Tháng 10.2005, UBND TP.HCM chính thức giao cho ông một căn nhà. Từ đó GS Trần Văn Khê sống trong nước, nghiên cứu, nói chuyện cũng như chuyển giao dần các tư liệu mà mình đã tích góp trong nhiều năm cho thế hệ sau.
Giờ đây, ông sống an nhiên chỉ trừ một điều - đưa âm nhạc vào học đường, để cho các em nhận biết được những vấn đề cơ bản trong âm nhạc truyền thống. Như thế, trong thời buổi toàn cầu hóa, khi lằn ranh địa lý cũng như văn hóa không còn khép kín thì các em có thể tự hào về nền văn hóa Việt nói chung một cách chính xác. “Đây là một trăn trở nhiều nhất mà tôi chưa thực hiện được vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố ngoài tầm tay của mình”, ông nói trong lễ nhận giải Phan Châu Trinh.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)