Tác giả bài báo cho biết: trong đề thi có hai câu (6 điểm) "không có trong chương trình trung học phân ban ban Khoa học tự nhiên (KHTN) cũng như ban Khoa học xã hội (KHXH)". "Nghiêm trọng" hơn, một thí sinh - vốn là học sinh một trường nổi tiếng ở Đà Nẵng cho nhà báo biết: do có đọc sách tham khảo nên câu 1 có làm được một phần, song câu 2 thì thí sinh này hoàn toàn để trống.
Chỉ một "sự cố" ấy thôi, nhưng từ đó có thể nghĩ đến nhiều chuyện: sự chỉ đạo ra đề thi của Bộ GD-ĐT, việc dạy Văn và việc học Văn ở trường phổ thông. Năm nào Bộ GD-ĐT cũng nhắc lại (đôi khi có thay đổi chút ít) phạm vi chương trình ra đề: chỉ hỏi về tác giả nào, tác phẩm nào (đã được học chính thức chứ không thuộc phần Đọc thêm); bỏ bớt bài văn nào, đoạn thơ nào. Thật là rành mạch! Nhưng nhiều trục trặc, không thỏa đáng lại nảy sinh từ chính cái quy định tưởng là "rành mạch" ấy.
Người ra đề thi của trường CĐ KTĐN đúng là đã vi phạm quy định khi ra câu thứ nhất. Học sinh lớp 12 chương trình phân ban ở nhiều địa phương không có điều kiện đọc toàn văn tập Nhật ký trong tù thì không biết bài Mới ra tù, tập leo núi ở cuối sách. Đương nhiên các em không thể đáp ứng yêu cầu "ghi lại bài thơ - phần phiên âm hoặc phần dịch thơ" và càng không thể nêu một cách chính xác "nguyên nhân và mục đích của tác giả khi viết bài thơ này".
Điều đáng bàn lại xoay quanh câu thứ 2 (4 điểm). Về thơ Tố Hữu, học sinh học chương trình không phân ban (sách chỉnh lý hợp nhất) có học bài Tâm tư trong tù, nhưng những em học chương trình thí điểm phân ban lại được học một bài thơ khác cũng trong tập thơ Từ ấy: bài Nhớ đồng. Về nguyên tắc, việc ra đề của trường CĐ KTĐN cũng lại vi phạm quy định của Bộ. Thí sinh học chương trình thí điểm phân ban hình như bị "làm khó".
Tôi nói "hình như" vì ta cần cân nhắc cho kỹ lưỡng trước khi phán xét. Điều đáng cân nhắc nhất là cần đặc biệt lưu ý đến đặc trưng bộ môn. Đặc trưng môn Văn nhất thiết sẽ quy định cách ra đề cũng như cách làm đáp án bài thi Văn. Cách ra đề quen thuộc lâu nay của Bộ trong cả hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thường gồm hai câu lý thuyết và một bài làm văn, trong đó có câu yêu cầu tái hiện kiến thức, một câu yêu cầu suy luận còn bài làm văn nhằm kiểm tra năng lực cảm thụ, sáng tạo. Các trường CĐ cũng theo nếp ấy, nội dung ra đề thi cũng na ná như thế.
Có hai điều cần bàn
Thứ nhất, dạng đề này chỉ thích hợp với thi tốt nghiệp - kỳ thi nhằm kiểm tra trình độ "đạt chuẩn" của học sinh lớp 12. Đạt yêu cầu trung bình, đương nhiên là đỗ. Đối với việc thi tuyển, nhiều khi 1 chọi 10 hoặc hơn nữa, câu hỏi nhằm tái hiện kiến thức phỏng có ích lợi gì? Thậm chí nó lại làm khó cho yêu cầu phân hóa trình độ của các em để trường ĐH, CĐ có thể tuyển được những thí sinh thực sự có năng lực.
Thứ hai, quy định "học gì thi nấy" xem ra chỉ đúng với yêu cầu tái hiện kiến thức. Không học Mới ra tù, tập leo núi mà đòi hỏi thí sinh chép lại bài thơ, nêu nguyên nhân và mục đích sáng tác thì đúng là đánh đố nhau. Thế nhưng, để kiểm tra đánh giá năng lực cảm thụ, sáng tạo của thí sinh, quy định quá chặt chẽ như thế lại không thỏa đáng.
Thử xem lại câu 2 của đề thi trường CĐ KTĐN: "Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tâm tư trong tù của nhà thơ Tố Hữu để thấy rõ khát vọng tự do của người chiến sĩ trẻ trong ngục tối: "Cô đơn thay là cảnh thân tù/Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực/Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức/Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu/Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều/Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh/Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh/Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về".
Một đề thi chuẩn! Kiểu bài được xác định (phân tích), yêu cầu rất rõ ràng (để thấy rõ khát vọng tự do của người chiến sĩ trẻ trong ngục tối) và phạm vi khảo sát cũng rất cụ thể và hẹp (8 câu trong bài Tâm tư trong tù).
Nên nhớ: ở lớp 12, Tố Hữu là một trong 9 tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam, được học nhiều tiết, cả về "tiểu sử, con đường thơ, phong cách nghệ thuật" và được giảng văn những 3 bài. Kiến thức trang bị quá đầy đủ, tưởng như đương nhiên học sinh sẽ rất hiểu thơ ông và sẽ làm bài thi một cách "ngon lành". Vậy mà nhiều em thi CĐ KTĐN lại "cắn bút", bỏ giấy trắng câu này. Đau thật! Không ngờ thí sinh lại tê liệt khả năng cảm thụ, phân tích đến mức ấy.
Có đồng nghiệp ở THPT đã nói vui với tôi: "Cứ với tình trạng này, hàng loạt thí sinh không chỉ thi trượt mà còn có thể mất người yêu". Tôi hỏi tại sao? "Tại sao ư? Giả dụ đi chơi với bạn khác giới, người bạn đó đưa ra một bài thơ "mới ra lò" để được nghe tiếng nói tri âm, thí sinh của chúng ta chắc lại từ chối với lý do "bài thơ ấy chưa được học chính thức ở THPT, không nằm trong quy định của Bộ (?!)". Câu nói đùa ấy ngẫm ra cũng đáng sợ thật.
Vì vậy yêu cầu tối thiểu đối với học sinh phải là: một khi đã được trang bị kỹ cả về kiến thức văn học sử, giảng văn, lý luận văn học và lý thuyết làm văn, các em phải bình giảng và phân tích được những đoạn, những bài thơ cùng đề tài, cùng phong cách, cùng tác giả như trường hợp đề thi CĐ KTĐN. Lỗi này các thầy cô dạy văn cũng phải chịu trách nhiệm một phần. Các thầy cô đã thiếu chú ý rèn tập kỹ năng, cho các em làm quen với những thao tác cần thiết của môn Làm văn, biết linh hoạt vận dụng những kiến thức văn chương theo hướng mở, chứ không "bắt chết" trong một số đề văn xơ cứng. Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa và cơ bản là từ quan điểm chỉ đạo, cách thức ra đề và làm đáp án mòn cũ từ bấy lâu nay. Quy định và những động thái chỉ đạo chuyên môn của Bộ trên thực tế đã khuyến khích cách dạy thực dụng thô thiển khiến bất cứ người giáo viên văn nào tâm huyết với nghề đều chán nản, đồng thời "xui" học sinh học tủ, tìm đến những bài văn mẫu để "xào, nấu", sao chép một cách vụng về.
Sự cố kỹ thuật của trường CĐ KTĐN là chuyện đã rồi. Xử lý ra sao, đó là việc của các cấp có thẩm quyền, tôi không dám lạm bàn. Chỉ mong các cơ quan chức năng của Bộ nghiêm túc đổi mới sau sự cố này. Bộ đã có một cú hích ngoạn mục, đó là cuộc vận động "Nói không với gian lận trong thi cử". Tác dụng tích cực bước đầu đã rõ, nhưng chỉ trong phạm vi kỷ cương, đạo đức. Còn trong lĩnh vực chuyên môn, muốn thực sự đổi mới việc dạy và học môn Văn, khiến môn học rất lý thú này lấy lại được sức hấp dẫn đặc biệt của nó cho cả thầy và trò, "cú hích" cần thiết không phải bắt đầu từ chương trình và sách giáo khoa hay từ chuyện cao xa nào khác, mà phải từ chuyện thi cử, từ cách ra đề và làm đáp án.
Trần Hữu Tá
Bình luận (0)