Tác động của thời đại số tới sinh viên

28/03/2017 07:48 GMT+7

Điện thoại thông minh, mạng xã hội xuất hiện và phát triển đã làm thay đổi tư duy, thói quen trong học tập cũng như sinh hoạt. Giới trẻ, trong đó có sinh viên, là đối tượng chịu ảnh hưởng rõ nhất từ việc này.

Phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ
Ngày nay, sự phát triển của công nghệ giúp cho sinh viên (SV) có nhiều kênh thông tin để tiếp cận tài liệu và để liên lạc với giảng viên (GV) ngoài việc gặp trực tiếp trên lớp. Ngoài ra, tài nguyên trên mạng rất hữu ích cho SV tự học và tìm hiểu.
Nhưng theo thạc sĩ Phan Nguyệt Minh, GV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, đây cũng chính là lý do khiến một bộ phận không nhỏ SV bị phụ thuộc vào công nghệ, tưởng nó có thể thay thế được việc lên lớp học và gặp gỡ trực tiếp để thảo luận.
“Khi tôi giảng bài, các nội dung quan trọng thường lưu ý và ghi lên bảng. Các em không dùng bút để ghi chú lại, mà thường lấy điện thoại ra chụp. Nhưng với thư viện lưu giữ hàng ngàn bức ảnh, đến cuối kỳ, các em muốn tìm lại để học cũng sẽ khó khăn và mất thời gian. Ngoài ra, các em ỷ lại có Google nên mỗi lần GV ra bài tập là sử dụng để tìm kiếm thông tin ngay. Tuy nhiên, không phải thông tin gì trên mạng cũng chính xác. Cũng chính vì thế mà các em đánh mất khả năng tư duy, tự tìm kiếm lời giải của mình”, thạc sĩ Minh lo ngại.

tin liên quan

Học sinh thiếu tập trung vì... công nghệ
Hiện tượng học sinh (HS) lơ là, không tập trung, hay quên được nhiều chuyên gia cho là hệ quả của việc bắt chạy theo thành tích và thiếu kỷ luật trong việc sử dụng các phương tiện từ internet.
Thạc sĩ Châu Thế Hữu, GV Khoa Quản trị kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cũng cho rằng lướt web, Facebook thường thú vị hơn nhiều so với việc ngồi đọc, nghiên cứu các giáo trình có phần khô khan. Hơn nữa, kho tài nguyên trên mạng rộng lớn, cần là có ngay giúp SV thuận lợi trong quá trình tìm kiếm tài liệu. Nhưng mặt trái của nó là khiến SV trở nên lười tư duy, thui chột khả năng sáng tạo, dễ sao chép, dựa dẫm.
Thụ động và ngại tiếp xúc với xã hội
Theo SV Nguyễn Lý, Trường ĐH Tài chính - Marketing, ở thời điểm hiện tại Facebook vẫn đang là công cụ gây nghiện đối với SV. “Mạng nói chung giúp bạn trẻ kết nối được với nhau mọi lúc mọi nơi, hỗ trợ việc học cho SV, giúp các bạn giải trí, tìm kiếm việc làm… Tuy nhiên, cũng vì thế nó khiến các bạn thụ động và ngại tiếp xúc với xã hội. Bên cạnh đó, có vô vàn tư liệu, hình ảnh xấu mà nếu không biết phân biệt đúng sai, không đủ tỉnh táo có thể sẽ bị sa vào những thói hư tật xấu và sa ngã”, Lý chia sẻ.
Nguyễn Thùy Vân, SV Trường ĐH Sài Gòn, tự nhận mình ý thức được việc lên mạng, lướt Facebook là tốn thời gian, ảnh hưởng tới học tập, nhưng chưa thể giảm bớt được. Lớp Vân có những bạn nghiện Facebook đến nỗi 2, 3 giờ sáng vẫn thức, chỉ để đọc xem bạn bè viết gì, xem ảnh của mọi người, rồi xem phim hài, trò chơi truyền hình mà người khác đăng lên. Nhiều SV nam thì nghiện game trực tuyến. “Nó như một thói quen rất khó bỏ. Bản thân em cũng nhiều lần ngủ trễ nên sáng hôm sau dậy muộn, mệt mỏi, không muốn đi học. Em nghĩ mỗi người cần đề ra một nguyên tắc để thực hiện.
Thời gian biểu rõ ràng, giờ nào học, giờ nào lên thư viện đọc sách, giờ nào lướt mạng...”, Vân đề xuất.
Sinh viên lười hơn ?
PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, GV Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, nhìn nhận: “Nhìn chung đa số SV ngày nay bị ảnh hưởng bởi các hoạt động và thú vui đến từ internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh… Các em bỏ thời gian vào mạng quá nhiều, trong đó chủ yếu là Facebook. Thức khuya, thiếu ngủ nên hôm sau ngại lên lớp. Có lên cũng thiếu tập trung. Việc học vì thế mà giảm sút, không đạt hiệu quả”.
Theo thạc sĩ Huỳnh Lưu Đức Toàn, GV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chuyện SV ở ký túc xá đến 10 giờ sáng vẫn ngủ xảy ra thường xuyên.
Thạc sĩ Phan Nguyệt Minh cũng nhìn nhận: “Sự phát triển của công nghệ khiến SV dường như lười học hơn. Nhiều em rất hay nghỉ học, hoặc chỉ đi học bữa đầu, bữa cuối hoặc bữa nào có thông báo điểm danh mới đi. Không chép bài, không làm bài tập, đồ án để bạn trong nhóm phải gánh hoặc có làm nhưng “vay mượn” đâu đó, học qua loa vội vàng trước ngày thi hoặc bỏ thi... Có em một môn học mà trả nợ tới 7 lần”.
Nhiều GV thừa nhận, trong lớp học, ở trên thầy giảng bài, hướng dẫn cách tiếp cận môn học, tài liệu nhưng ở dưới không ít SV hí hoáy bấm điện thoại, “lướt” Facebook hoặc chơi game, thậm chí còn chụp hình “tự sướng”.
Trang bị kỹ năng cơ bản để thích nghi với môi trường mới
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng để khắc phục bệnh lười của SV cần có giải pháp đồng bộ. Ngay từ năm đầu, trường ĐH cần giúp SV trang bị kỹ năng cơ bản để thích nghi với môi trường mới. Việc hướng nghiệp cũng cần được thực hiện sâu ngay từ bậc phổ thông. Đặc biệt, mỗi SV cần trang bị cho mình kỹ năng tự chăm sóc bản thân từ ăn uống, sinh hoạt, sức khỏe, cách giữ thói quen sinh hoạt khoa học thay vì buông thả tự do theo các sở thích cá nhân. Hà Ánh (ghi)
Ý kiến:
Doanh nghiệp cũng phải lên tiếng
SV thời nay dù có nhiều kỹ năng nhưng nhìn chung phần đông rất lười. Lười từ chuyện đọc sách, tìm hiểu thông tin cho đến khi đi làm. Ngay cả các nhà tuyển dụng cũng phải lên tiếng về việc này khi đánh giá nhiều SV lười từ suy nghĩ đến cả hành động.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn
(Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)
Ngại những công việc khó
Có những SV thể hiện sự ngại khó nên thường chọn đơn vị thực tập dễ dàng và công việc nhẹ nhàng. Chẳng hạn, SV ngành công nghệ thực phẩm nhưng chỉ chọn thực tập với các mặt hàng khô thay vì sản phẩm đông lạnh có môi trường làm việc khắc nghiệt hơn. Dù doanh nghiệp có nhu cầu, muốn tạo điều kiện để làm cơ sở tuyển dụng nhưng SV ngại khó không đăng ký.
Lê Thị Thanh Tâm
 (Giám đốc nhân sự Công ty Sài Gòn Food)
Rất hiếm SV đọc tài liệu trước
Rất hiếm SV đọc bài trước ở nhà. Trong giờ học SV lại làm việc riêng như lướt Facebook, chơi Zalo... Việc giao bài tập về nhà, trường thực hiện rất nghiêm túc với mục đích giúp trang bị cho SV kỹ năng này trước khi bước vào môi trường làm việc khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, nhiều SV về nhà không học bài, không đọc tài liệu và nếu làm cũng qua loa cho có. SV cũng ít tham gia nghiên cứu khoa học. Ngay cả những hội thảo khoa học do trường tổ chức cũng thường vắng bóng SV, trong khi đây là cơ hội tuyệt vời để học hỏi nâng cao kiến thức chuyên môn, phương pháp nghiên cứu và các kỹ năng mềm.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
 (Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Hà Ánh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.