Tắc động mạch chi dưới

26/11/2011 01:04 GMT+7

Viêm tắc động mạch chi dưới là bệnh lý dễ bị bỏ qua do chẩn đoán nhầm với bệnh về cơ xương khớp, bệnh do tuổi già.

Viêm tắc động mạch chi dưới là bệnh lý dễ bị bỏ qua do chẩn đoán nhầm với bệnh về cơ xương khớp, bệnh do tuổi già.

Tưởng đau xương khớp

Bệnh nhân nam tên Th., 67 tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng đau, mỏi, co cứng bắp chân cả hai bên, không thể đi bộ. Triệu chứng xuất hiện từ một năm qua. Ông Th. đã đi khám tại một số nơi được chỉ định điều trị về xương khớp nhưng không khỏi. Sau khám lâm sàng và chụp mạch máu phát hiện ông bị hẹp khít động mạch chậu 2 bên, tắc động mạch đùi nông 2 bên.

Mới đây, một bệnh nhân nữ 75 tuổi (Hà Nội) vào viện trong tình trạng đau nhức liên tục bàn chân, ngón chân cái đã bị thâm tím, có biểu hiện hoại tử. Tình trạng đau cứng cơ bắp chân trong suốt thời gian dài, ngay cả khi nghỉ ngơi và uống thuốc trị xương khớp không khỏi. Kết quả chụp mạch xác định bị tắc động mạch đùi và các động mạch nhánh ở cẳng chân.

 
Viêm tắc động mạch chi dưới dễ nhầm với đau xương khớp ở người già - Ảnh: T.Tùng

 

 

 

 

TS-BS Lê Văn Trường, Chủ nhiệm Khoa Chẩn đoán can thiệp mạch (Bệnh viện 108, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi gặp nhiều trường hợp tương tự các bệnh nhân kể trên. Đây là bệnh viêm tắc động mạch chi dưới, bệnh chỉ được phát hiện sau thời gian đau kéo dài và điều trị xương khớp không khỏi. Kết quả chụp sau can thiệp mạch, toàn bộ phần mạch bị tắc đã tái lưu thông”.

TS-BS Lê Văn Trường lưu ý, cần nghĩ đến bệnh viêm tắc động mạch chi dưới nếu bệnh nhân có các triệu chứng: đau, mỏi và co cứng bắp chân, đùi hoặc mông khi đi bộ, phải dừng lại, ngồi nghỉ mới có thể tiếp tục đi được. Hiện tượng đó lặp lại sau một khoảng cách đi bộ nhất định. Khoảng cách đó ngắn dần chứng tỏ bệnh đang tiến triển nặng lên. Tiếp đó, xuất hiện đau bàn, ngón chân liên tục, kể cả khi nghỉ, thậm chí gây mất ngủ, mệt mỏi vì đau chân; da chân tái và lạnh.

Giai đoạn nặng hơn sẽ bị loét và hoại tử các ngón chân, có thể cả bàn chân (do thiếu máu nuôi dưỡng), kèm theo cảm giác đau liên tục, thuốc giảm đau không có tác dụng. Phần lớn người bệnh đến điều trị ở giai đoạn muộn do không có triệu chứng khi bệnh mới khởi đầu; hoặc nhầm với bệnh cơ xương khớp, đau thần kinh ngoại vi, do tuổi già...

Không phẫu thuật

Bệnh động mạch chi dưới là tình trạng hẹp/tắc lòng động mạch chậu, đùi, khoeo, cẳng và bàn chân do vữa xơ động mạch hoặc viêm nội mạc động mạch, làm giảm dòng máu nuôi phần chi phía dưới vị trí tổn thương. Người dễ mắc bệnh viêm tắc động mạch chi dưới nếu hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì...

Nếu có triệu chứng như đã mô tả ở trên, bệnh nhân cần đến khám chuyên khoa bệnh mạch máu ngoại vi để được chẩn đoán nhanh và chính xác nhất. Bác sĩ sẽ kiểm tra mạch đập ở các vị trí nếp bẹn, khoeo chân, mu chân và ống gót. Nếu không có mạch đập hoặc yếu hơn bình thường thì có thể nghĩ đến hẹp tắc mạch. Ngoài ra, siêu âm mạch máu có thể giúp bệnh nhân biết rõ vị trí, mức độ động mạch bị hẹp tắc, tình trạng thiếu máu chi dưới.

TS-BS Trường cho biết, với bệnh lý này, điều trị cơ bản là mở thông động mạch bị tắc bằng phương pháp nong (đặt stent động mạch chậu) chi dưới qua da bằng ống thông (can thiệp mạch). Khi lòng mạch được mở thông, dòng máu phục hồi, các triệu chứng đau sẽ giảm nhanh chóng và hết hẳn. Các vết loét và hoại tử có cơ hội liền sẹo nhanh. Tuy nhiên, phần hoại tử nặng do điều trị muộn không thể hồi phục được bắt buộc phải cắt bỏ.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.