Hôm qua (1.5), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có bài phát biểu trước một ngày khởi hành công du 3 nước châu Âu: Đan Mạch, Pháp và Đức.
Tuần dương hạm Mỹ USS Antietam trong một lần huấn luyện chung cùng tàu hậu cần INS Shak Ti của hải quân Ấn Độ |
PACOM |
Yếu tố kết nối
Tờ India Today dẫn lời trong bài phát biểu của ông Modi nhấn mạnh: “Chuyến thăm châu Âu của tôi diễn ra vào thời điểm khu vực này phải đối mặt với nhiều thách thức và lựa chọn. Thông qua các cam kết của mình, tôi dự định tăng cường hợp tác với các đối tác châu Âu, những quốc gia đồng hành quan trọng trong hành trình tìm kiếm hòa bình và thịnh vượng của Ấn Độ”.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ và nhiều nước châu Âu nói chung, cũng như các đồng minh của Mỹ, không có chung lập trường về chiến sự Ukraine. Cụ thể, không chỉ không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow, Ấn Độ cũng không chỉ trích việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.
Trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: “Có thể hiểu được lập trường của New Delhi bắt nguồn từ việc muốn đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng giá phải chăng cũng như nguồn cung cấp khí tài quân sự cho Ấn Độ”.
Tuy nhiên, Ấn Độ và phương Tây cũng như các đồng minh của Mỹ trong khu vực lại chia sẻ chung một thách thức chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thực tế, New Delhi và Bắc Kinh thời gian qua liên tục có nhiều căng thẳng ở biên giới. Ấn Độ cũng là thành viên của nhóm “bộ tứ an ninh” (3 thành viên còn lại là Mỹ, Nhật Bản và Úc) chia sẻ chung tầm nhìn về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Đặc biệt, sau những diễn biến quân sự đang diễn ra trên thế giới, giới quan sát lo ngại nguy cơ Bắc Kinh tạo ra tiền lệ mới trong khu vực là sử dụng sức mạnh quân sự để thay đổi hiện trạng một số nơi. Rủi ro này cũng là vấn đề được đặt ra khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz công du Nhật Bản mới đây.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Olaf Scholz vào ngày 28.4 tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng với tư cách là thành viên của Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7), hai nước có trách nhiệm hợp tác với nhau để chấm dứt chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, khôi phục hòa bình, ổn định và trật tự quốc tế càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida cho biết Nhật hy vọng sẽ hợp tác chặt chẽ với Đức với tư cách là đối tác chiến lược về “nhiều thách thức khác nhau mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt, bao gồm cả các ứng phó với Trung Quốc”.
Từ các diễn biến trên, chuyến công du sắp tới của Thủ tướng Modi đến Đức, một thành viên đầy ảnh hưởng trong Liên minh châu Âu (EU), có thể sẽ thúc đẩy hợp tác song phương với Ấn Độ mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sắp công du châu Âu |
PTI |
Chia sẻ chung giá trị
Trả lời Thanh Niên ngày 1.5, GS Alfred Gerstl, chuyên gia nghiên cứu quốc tế tại Đại học Vienna (Áo), đánh giá: “Trước đây, các nhà lãnh đạo Đức thường thăm viếng Trung Quốc thường xuyên hơn Nhật Bản. Nhưng cuộc hội đàm ngày 28.4 giữa lãnh đạo Nhật và Đức cho thấy 2 bên có nhiều điểm chung hơn”.
Theo chuyên gia này, trong các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gần đây, Đức và Liên minh châu Âu thúc đẩy cái gọi là chính sách đối ngoại dựa trên giá trị. “Những lợi ích chiến lược này của Đức và EU rất phù hợp với chiến lược Indo-Pacific tự do và rộng mở của Nhật Bản”, theo GS Alfred Gerstl.
Ông phân tích thêm là cả Nhật và Đức đều đang chỉ trích mạnh mẽ hành động của Nga ở Ukraine. “Cả hai cũng chỉ trích mạnh mẽ hành động của Trung Quốc và cùng lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc”, vị chuyên gia đánh giá và dự báo “Rất có thể EU và Nhật Bản sẽ tăng cường quan hệ với các nước cùng chí hướng ở Indo-Pacific”.
Cũng trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (Chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) chỉ ra: “Nhật Bản giữ khoảng cách với các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea, nhưng Tokyo đã thay đổi lập trường và áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine”.
Thu hẹp sự khác biệt
Xóa nhòa các bất đồng trong lập trường về chiến sự Ukraine cũng được giới quan sát đánh giá là mục tiêu của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong chuyến công du nước ngoài mà điểm đến trong đó có một số nước Đông Nam Á.
Anh - Mỹ lần đầu họp cấp cao bàn về vấn đề Đài Loan
Tờ Financial Times ngày 1.5 dẫn nguồn thạo tin tiết lộ ông Kurt Campbell, Điều phối viên Nhà Trắng về Indo-Pacific, và bà Laura Rosenberger, quan chức đứng đầu chính sách Trung Quốc tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, đã họp bàn với các đại diện Anh về Đài Loan hồi đầu tháng 3. Cuộc họp nằm trong khuôn khổ mở rộng kéo dài 2 ngày của các đại diện song phương về chiến lược Indo-Pacific. Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên giữa Washington và London về vấn đề Đài Loan.
Theo các nguồn tin, Washington muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đồng minh châu Âu, như Anh, nhằm nâng cao nhận thức về những quan ngại của chính quyền dưới thời Tổng thống Joe Biden trước thái độ thời gian qua của Bắc Kinh đối với Đài Bắc.
Thụy Miên
Điển hình, GS Yoichiro Sato đánh giá chuyến công du của Thủ tướng Kishida còn mang ý nghĩa “gửi gắm” nỗ lực từ Mỹ trong bối cảnh quan hệ hợp tác an ninh giữa Washington với một số đối tác Đông Nam Á đang chậm lại, do tác động từ sự khác biệt lập trường về vấn đề Ukraine. Qua đó, Tokyo muốn tạo sự đồng thuận chung trong vấn đề này. Theo GS Sato, Thủ tướng Kishida cuối tháng 3 có chuyến công du đến Ấn Độ và hội đàm với Thủ tướng chủ nhà Modi cũng vì mục đích tương tự.
Tất cả nhằm hướng đến việc củng cố hợp tác ở khu vực để đối phó thách thức và rủi ro chung.
Bình luận (0)