Ngày 30.11.2018, xe chở đoàn nhà báo có tôi đến DMZ, dải đất kéo dài 250 km dọc theo vĩ tuyến 38 trên bán đảo Triều Tiên. Chuyến đi là một phần của chương trình do Bộ Ngoại giao Mỹ hợp tác tổ chức với Đại sứ quán Mỹ tại Seoul (Hàn Quốc) và Trung tâm Quốc tế Meridian (trụ sở tại Washington D.C., Mỹ).
Đây là chương trình lần đầu tiên được triển khai tại Hàn Quốc và Mỹ nhằm tạo điều kiện cho báo chí khu vực tiếp cận thông tin liên quan đến chính sách về CHDCND Triều Tiên của Mỹ và các đối tác sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6.2018.
Năm 2018 cũng chứng kiến sự nồng ấm nhanh chóng trong quan hệ liên Triều. Lần lượt 3 cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra giữa Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un vào tháng 4, tháng 5 và tháng 9 trong năm. Hai trong số đó được tổ chức ở Bàn Môn Điếm.
Khi ấy, có nhiều đồn đoán về khả năng ông Trump sẽ đến DMZ. Khác với những người tiền nhiệm, ông Trump thường gây bất ngờ với những bước đi và động thái táo bạo. Vì thế, DMZ trở thành "điểm phải đến" trong chương trình thông tin về chính sách Triều Tiên dưới thời Tổng thống Trump.
Hướng dẫn viên Ha Eun-su nói với đoàn nhà báo rằng xe của chúng tôi đang đi cùng con đường mà đoàn xe chở Tổng thống Moon Jae-in đã lăn bánh để gặp Chủ tịch Kim Jong-un trong cuộc hội đàm thượng đỉnh vào cuối tháng 4.2018.
Sau khi tập trung mua vé ở công viên Imjingak, cách DMZ khoảng 7 km, chúng tôi lên xe buýt dành riêng cho hoạt động tham quan tại DMZ. Trước khi lên xe, một số nhà báo trong đoàn đã tiến hành ghi hình hoặc ghi âm, tùy theo họ thuộc đài truyền hình hoặc đài phát thanh.
Lúc đó, Báo Thanh Niên đẩy mạnh hướng tiếp cận đa nền tảng, và tòa soạn đã tổ chức các đợt tập huấn để trang bị cho phóng viên năng lực đa dạng hóa sản phẩm vào thời điểm tác nghiệp. Trước khi đến, tôi lên kế hoạch sẽ viết bài, làm chùm ảnh và làm phóng sự media. Vì thế, tôi bắt đầu chụp ảnh, quay phim và phỏng vấn một số du khách tại đây.
Khi ngồi trên xe buýt, ai nấy đều cầm sẵn hộ chiếu trên tay và trình cho binh sĩ Hàn Quốc lên xe kiểm tra tại chốt gác. Do đây là khu vực thuộc quyền kiểm soát của quân đội nên mọi hoạt động xuất nhập đều được kiểm tra cặn kẽ và xe buýt phải đi qua vài chốt gác với những hàng rào kẽm gai bao quanh.
Hướng dẫn viên cũng đề nghị mọi người phải tuân thủ giờ giấc lên xuống xe, và mỗi điểm dừng khoảng 15 phút, trừ phi có thông báo khác, nếu chúng tôi không muốn bị lỡ chuyến xe buýt đưa mình đến đây. Nghe qua thông báo này, tôi chuẩn bị tinh thần "đánh nhanh, rút gọn" và tư duy sẵn trong đầu cần phải làm những gì tại mỗi điểm đến.
Điểm dừng chân đầu tiên là nhà ga Dorasan, đóng vai trò là điểm cuối cực bắc của tuyến đường sắt Hàn Quốc trước khi đến giới tuyến tạm liên Triều cách đó khoảng 700 m. Quang cảnh nhà ga khá buồn tẻ, trái ngược với thiết kế hiện đại và mới mẻ của kiến trúc nơi này. Rất ít bóng dáng của lính gác, mà thay vào đó là các du khách, dấu hiệu cho thấy không khí đã đỡ căng thẳng hơn. Bên trong nhà ga khi đó trưng bày những hình ảnh mới về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều trong năm 2018.
Tôi bận rộn tác nghiệp, ghi hình, mua vé tàu và đóng tem thống nhất làm kỷ niệm trước khi đi vào sân ga. Ở đây, tôi mới biết được vài giờ trước, một đoàn tàu khảo sát đã rời ga Dorasan và đi vào lãnh thổ của Triều Tiên. "Phải chi mình quay được hình ảnh đó nhỉ", tôi tiếc hùi hụi.
Sân ga vắng vẻ, chẳng có đoàn tàu nào trên những đường ray còn mới. Đây là nơi tôi có thể dõi mắt ra xa mà tầm mắt không bị chắn bởi bất kỳ hàng rào kẽm gai nào. Tôi giơ tấm vé được đóng tem thống nhất hướng về phía Bình Nhưỡng, ở cách đó 205 km và chụp ảnh, quay phim.
Điểm đến kế tiếp là Đài quan sát Dora. Đến được nơi này, có nghĩa là bạn đã đặt chân lên vị trí gần nhất để ngắm lãnh thổ Triều Tiên. Từ tầng cao nhất của đài quan sát, tôi nhìn về hướng Triều Tiên từ đây. Những gì tôi thấy được là các cánh đồng mênh mông, xanh ngát, một số cấu trúc nhà cửa, không rõ là gì.
Dựa trên bản đồ, phía dưới là Kaesong, khu công nghiệp chung của hai miền đang trong tình trạng đóng cửa từ tháng 2.2016, và cả làng tuyên truyền Kijŏng-dong nổi tiếng với dàn loa khổng lồ. Đây là một trong hai ngôi làng được phép trụ lại vùng phi quân sự sau khi hiệp định đình chiến được ký kết vào giữa năm 1953, làng còn lại là Daeseong-dong của Hàn Quốc, cách đó hơn 2 km.
Đứng trên đài cao, tôi không nghe thấy bất kỳ âm thanh nào phát ra từ hướng làng tuyên truyền của Triều Tiên, chỉ có tiếng gió lạnh. Tôi âm thầm ghi nhận lại mọi thứ. Chỉ tiếc là máy ảnh của tôi không có ống kính đủ lớn nên không thể ghi hình rõ bên phần lãnh thổ Triều Tiên. Tôi quay hiện dẫn tại đây. Thế nhưng, có lẽ do trời quá lạnh khiến tay run và thời gian quá gấp, clip hiện dẫn sau đó không thể dùng được vì bị "phô" hình.
Điểm cuối của hành trình là đường hầm số 3, một trong các đường hầm do phía Triều Tiên đào xuyên giới tuyến quân sự và sau đó bị Hàn Quốc phát hiện. Quân đội Hàn Quốc đã phát hiện đường hầm ở điểm cách giới tuyến quân sự 1.200 m từ phía Triều Tiên và thọc sâu đến 435 m vào lãnh thổ Hàn Quốc. Đường hầm này có tổng chiều dài 1.635 m và nằm ở độ sâu 73 m, đường kính khoảng 2 m.
Tại đây, hướng dẫn viên Ha nhắc nhở chúng tôi rằng không thể quay phim chụp ảnh bên trong đường hầm và đề nghị mọi người tuân thủ quy định. Các nhà báo bày tỏ sự tiếc nuối và mất đi dịp ghi hình quý báu. Cuối cùng, khi mọi người ra khỏi đường hầm, tôi ghi hình phỏng vấn anh Ha và người hướng dẫn sẵn lòng trả lời để "bù đắp" chuyện tôi không tác nghiệp được bên trong đường hầm.
Anh Ha cho biết kích thước của đường hầm cho phép một đội quân gồm 30.000 binh sĩ được trang bị súng ống bất ngờ đột kích qua lãnh thổ Hàn Quốc trong vòng 60 phút. "Khi bị chúng tôi phát hiện, Triều Tiên bác bỏ cáo buộc đào hầm (để tấn công), mà thay vào đó họ nói rằng đường hầm này nhằm mục đích khai thác mỏ than. Đó là điều mà họ khăng khăng nói thế. Tôi cho rằng đây là điểm đến thú vị cho khách tham quan trải nghiệm được mối quan hệ giữa hai miền", anh Ha trả lời trước ống kính.
Sau đó, xe buýt đưa chúng tôi quay về điểm xuất phát ban đầu là công viên Imjingak. Tại đây, tôi có thời gian lâu hơn để ghi hình cho phóng sự về DMZ. Đây là nơi từng diễn ra trận chiến sông Imjin đẫm máu năm 1951 trong Chiến tranh Triều Tiên.
Tôi đặc biệt ấn tượng trước sự tồn tại của một đầu máy xe lửa với hơn 1.020 vết đạn và những bánh xe vặn vẹo; những dải ruy băng đủ màu sắc viết lời cầu nguyện của các du khách đến đây; và chốt bưu điện chẳng bao giờ có thể chuyển thư đến người nhận.
Kết thúc chuyến tham quan DMZ, tôi hoàn thành một bài báo in, một chùm ảnh, 2 phóng sự media và cảm nhận khó tả về nơi chất chứa quá nhiều dấu ấn lịch sử, và cũng là nơi lịch sử bắt đầu.
Sau khi đoàn nhà báo đến đây vào cuối năm 2018, ngày 30.6.2019, ông Trump bất ngờ gặp ông Kim tại Bàn Môn Điếm. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều khi đó đã cùng nhau bước vào vạch ngăn đôi giới tuyến, và ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên.
Các link bài và sản phẩm media sau khi tác nghiệp đa nền tảng ở giới tuyến liên Triều:
Vết sẹo chia cắt hai miền Triều Tiên bên bờ Imjin
Những khoảnh khắc tại Vùng phi quân sự liên Triều
Bình luận (0)