‘Tách luật Giao thông đường bộ dễ gây tranh chấp quyền giữa 2 bộ Công an, GTVT’

Mai Hà
Mai Hà
14/02/2022 17:33 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng, việc tách thành 2 luật Giao thông đường bộ do Bộ GTVT quản lý và luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an quản lý dễ gây tranh chấp trách nhiệm, quyền hạn giữa 2 bộ.

Tại hội thảo lấy ý kiến về luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sáng 14.2 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng vận tải đường bộ hình thành từ 4 yếu tố cơ bản, gồm: người điều khiển phương tiện, phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông, quy tắc tham gia giao thông.

Việc "đưa" giấy phép lái xe về Bộ Công an hay Bộ GTVT quản lý còn nhiều ý kiến trái chiều

vũ phượng

Luật Giao thông đường bộ 2008 có kết cấu phù hợp với tình hình vận tải, nên đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho quản lý và vận tải đường bộ phát triển trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, với việc tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật mới là luật Giao thông đường bộ do Bộ GTVT quản lý và luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an quản lý, thì khi thực hiện một quy định người tham gia giao thông phải tham khảo cả hai luật.

"Việc tách luật có thể phá vỡ sự đồng bộ về pháp luật giao thông vận tải, chưa phù hợp thông lệ quốc tế", ông Thanh nói. Chuyên gia này cho rằng, nếu tách làm hai, luật Giao thông đường bộ sẽ thiếu hai thành tố quan trọng là quy tắc giao thông đường bộ và người điều khiện phương tiện, mà chỉ quản về kết cấu hạ tầng đường bộ.

Trong khi đó, luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông lại không phủ hết được các nội dung về trật tự giao thông đường bộ, như kết cấu hạ tầng đường bộ, do đó chỉ nên gọi là Luật an toàn giao thông cho người tham gia giao thông đường bộ.

Điều này sẽ phát sinh nhiều bất cập và khả năng tranh chấp trách nhiệm và quyền hạn giữa 2 Bộ GTVT và Bộ Công an trong quản lý giao thông đường bộ. Ví dụ, trước đây Bộ trưởng GTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, thống nhất với các chỉ tiêu kỹ thuật của công trình. Nhưng tại dự thảo luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông quy định Bộ trưởng công an ban hành quy chuẩn này.

Đặc biệt, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được Bộ GTVT quản lý và thực hiện ổn định, nay được quy định tại dự thảo luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ có thể gây xáo trộn cho các đơn vị đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng quản lý về trật tự an toàn giao thông không chỉ được quy định trong luật Bảo đảm an toàn giao thông mà còn cần được quy định trong xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng, hoạt động vận tải, kiểm tra về an toàn kỹ thuật của phương tiện, trong quản lý người lái xe. Vì vậy, nếu tách thành 2 luật thì cần rà soát kỹ dự thảo của cả 2 luật để có sự thống nhất và không phát sinh chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình triển khai.

Về nội dung giấy phép lái xe, hiện cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe trong toàn quốc đã được hình thành, sẵn sàng liên thông giữa ngành giao thông và công an, đáp ứng yêu cầu xử lý vi phạm đối với lái xe của ngành công an. Để không phát sinh những xáo trộn liên quan đến hàng triệu người thì ngành giao thông vẫn cần quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Dưới góc độ đại diện doanh nghiệp, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, đánh giá khi chưa chứng minh được hiệu quả việc tách luật, nên giữ nguyên một luật và sửa đổi bổ sung phù hợp với thực tế hiện nay.

Ông Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, dẫn báo cáo cho biết trong 10 năm qua, tỷ lệ người chết/100.000 giấy phép lái xe giảm 52 lần, tỷ lệ số người chết/10.000 phương tiện giảm 13 lần, tỷ lệ tai nạn giao thông đã giảm hàng năm, dù số phương tiện tăng, cho thấy công tác sát hạch đào tạo lái xe đã đóng góp ít nhiều.

Việc tách luật không đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ các quy phạm pháp luật. Về quản lý nhà nước, luật cần đảm bảo đủ các nội dung thành tố do Quốc hội quyết định, còn phân cấp cho các ngành do Chính phủ quyết định.

"Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc hay nhiều nước khác đang có xu hướng gộp các bộ giao thông, tài nguyên, môi trường thành một bộ và gộp các luật, chúng ta không nên đi ngược xu thế", ông Tuấn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.