Tách vốn nhà nước ra khỏi bộ, ngành

10/11/2014 09:00 GMT+7

Tình trạng thất thoát, lãng phí, đầu tư thiếu hiệu quả vẫn đang diễn ra hết sức nhức nhối trong lúc hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn nhà nước đang được đầu tư vào các doanh nghiệp.

Tách vốn nhà nước ra khỏi bộ, ngành
Khách sạn 24 tầng ở Móng Cái kinh doanh không hiệu quả là nguyên nhân chủ yếu gây lỗ của RUTRATOCO - Ảnh: Hồng Long

Dự luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh đang được Quốc hội xem xét liệu có tạo ra những đột phá để giải quyết tình trạng này?

Bán triệt để

Khách sạn Geruco (tên người dân Móng Cái, Quảng Ninh thường gọi là “khách sạn cao su”) cao 24 tầng với vốn đầu tư tới 554 tỉ đồng là một trong những khách sạn lớn nhất ở Móng Cái nói riêng và cả vùng Đông Bắc nói chung. Dự án này của Công ty cổ phần thương mại dịch vụ và du lịch cao su (RUTRATOCO) với 52% số vốn, tương đương 224 tỉ đồng, do Tập đoàn công nghiệp cao su VN (VRG) đóng góp. Đây cũng là điển hình của sự đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả từ vốn nhà nước. Cụ thể, năm 2010, RUTRATOCO lỗ 8,37 tỉ đồng, năm 2011 lỗ 107 tỉ đồng, năm 2012 lỗ 89 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, là do “khách sạn cao su” hoạt động không hiệu quả.

 

Chúng ta muốn tái cơ cấu nền khối DNNN thì không nên duy trì chế độ chủ quản như hiện nay. Nếu vẫn coi DNNN là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, ổn định giá thì rất khó vận hành được theo cơ chế thị trường vì như vậy sẽ còn phải lệ thuộc vào bộ chủ quản, để các bộ can thiệp rất sâu vào hoạt động, cản trở sáng tạo

Đại biểu QH Đỗ Văn Vẻ

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét: “Nhà nước cần thu hẹp phạm vi đầu tư theo hướng, chỉ đầu tư vào những khu vực mà tư nhân chưa thể làm, chưa muốn làm do lợi nhuận thu hồi không bù đắp được chi phí. Ngay cả việc nhà nước đầu tư cũng không hẳn là nhà nước làm mà có thể chỉ là cơ quan chi tiền, nhưng cho đấu thầu để doanh nghiệp tư nhân thực hiện”.

Ông Nguyễn Văn Khoa, nguyên Tổng giám đốc Vinamoto, thì đề xuất: “Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, bán triệt để, không nên giữ lại bất kỳ tỷ lệ cổ phần nào tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà ngành nghề sản xuất kinh doanh khu vực tư nhân có thể làm tốt”.

Bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản

Theo đại biểu (ĐB) Quốc hội Cao Sĩ Kiêm, không nên để đại diện chủ sở hữu ở bộ nữa mà cần có cơ quan đứng ra làm, để quản lý được vốn nhà nước. Để ở bộ, không đảm bảo minh bạch, vừa đá bóng vừa thổi còi, sự linh hoạt không có. Vốn sở hữu nên để ở cơ quan nào đó tách khỏi bộ, dễ tập trung, chi phối, tốt nhất là giao cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. Cũng theo ĐB Kiêm, đa số các DNNN hiện nay yếu nhất vẫn là khâu quản lý, chính vì thế đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong việc sử dụng sai vốn nhà nước, sức cạnh tranh trên thị trường hiện nay rất yếu. Cho nên, dự án luật Quản lý, sử dụng nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh lần này phải xác định rõ trách nhiệm giám sát của Quốc hội tới đâu, đặc biệt đối với vốn nhà nước trong các công ty cổ phần để tránh những hậu quả như thời gian qua. Hằng năm chúng ta phải buộc các DNNN báo cáo cụ thể trước Quốc hội.

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) thì băn khoăn dự luật không có điều khoản nào quy định về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nếu không làm rõ, DN chỉ cần có lợi nhuận ở mức 1 - 2% vốn chủ sở hữu cũng được coi là hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, cần phải quy định hiệu quả sử dụng vốn mà hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty phải chịu trách nhiệm là bao nhiêu phần trăm vốn chủ sở hữu? “Chúng ta muốn tái cơ cấu nền khối DNNN thì không nên duy trì chế độ chủ quản như hiện nay. Nếu vẫn coi DNNN là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, ổn định giá thì rất khó vận hành được theo cơ chế thị trường vì như vậy sẽ còn phải lệ thuộc vào bộ chủ quản, để các bộ can thiệp rất sâu vào hoạt động, cản trở sáng tạo. Tài sản DNNN hiện còn rất lớn. Nên khâu quản lý vốn cần phải tách ra, giao cho cơ quan khác quản lý" - ĐB này dứt khoát.

Vừa đá bóng vừa thổi còi

Rất nhiều người đang lo ngại quy định trong điều 10 về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp là “Doanh nghiệp thuộc những ngành, lĩnh vực phục vụ cho việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ”. Nếu vậy, nhà nước vẫn có thể đầu tư vào những chỗ mà tư nhân làm được, muốn làm. Một cựu lãnh đạo cấp vụ sau đó là chủ tịch HĐQT công ty nhà nước thẳng thắn chỉ ra: Nhà nước cần điều hành bằng chính sách, duy trì ổn định và phát triển kinh tế xã hội cũng bằng chính sách chứ không thể bằng một số doanh nghiệp nhà nước. Bởi như vậy sẽ là xung đột lợi ích. Rất nhiều doanh nghiệp lớn đang có thứ trưởng, vụ trưởng của bộ chủ quản là thành viên hội đồng quản trị. Như vậy rõ ràng là vừa đá bóng vừa thổi còi.

K.T.Long - H.Nguyễn

>> Đề xuất cơ quan độc lập quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
>> Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước: Biến 'vịt nhà' thành 'vịt trời
>> Dùng công ty 'sân sau'để chuyển vốn nhà nước
>> Chuyển 4 vụ thất thoát vốn nhà nước sang cơ quan điều tra
>> SCIC bán vốn nhà nước tại 580 doanh nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.