“Vua” Feuilleton
|
Hoàng Ly đến với văn chương khi tuổi còn khá trẻ cùng khả năng viết nhiều thể loại: thơ, kịch, tiểu thuyết, rồi đi làm báo. Với hai bút danh Trương Linh Tử và Hoàng Ly, người đọc thời đó say sưa với Chờ thời (kịch thơ trào phúng), Hờn Cai Hạ, Nhập đô thành (kịch thơ lịch sử)… Ông viết rất khỏe, liên tục cho ra đời hàng loạt feuilleton (tiểu thuyết đăng nhiều kỳ trên báo): Kỳ nữ sông kỳ cùng, Người điên áo thụng, Tiếng địch trên sông, Hận Loa Thành, Tráng sĩ không tên...
Nhà thơ Đỗ Hồng Linh kể: “Tiểu thuyết feuilleton của cha tôi được độc giả mê dữ lắm, thậm chí có số báo còn được đưa ra trang nhất, đủ nói lên sức hấp dẫn của truyện ông viết. Khoảng cuối thập niên 1940, cha tôi còn lấn sân tham gia hoạt động ở lĩnh vực sân khấu với vai trò thầy tuồng (đạo diễn) cho gánh hát Kim Phụng. Ông rất đa tài”.
Vào lập nghiệp tại Sài Gòn những năm đầu thập niên 1950, nhà văn Hoàng Ly mưu sinh thêm bằng nghề “gõ đầu trẻ” tại một trường tư thục. Thời gian này, ông tái xuất với những feuilleton đình đám trên các báo ở Sài Gòn thời đó: Nữ tướng biên thùy, Người đẹp liễu thôn... với hình tượng nhân vật “anh hùng lạc thảo”, nữ chúa rừng xanh “thấy chuyện bất bình” chẳng tha, đặc biệt tiểu thuyết Một thời ngang dọc đã đưa tên tuổi ông trở thành tác giả tiểu thuyết võ hiệp xuất sắc nhất VN. “Lúc cao trào, ông viết cùng lúc 5 đến 7 truyện feuilleton trên các nhật báo như: Giặc cái, Quỷ cái, Gái bán trời, Gái giặc biển, Giặc tình, Gió tử thần, Giặc tàu ô, Nhẩy đầu lâu... sau này in thành sách Lửa hận rừng xanh dày khoảng 2.400 trang”, nhà thơ Đỗ Hồng Linh kể tiếp. Nhiều feuilleton kinh dị, liêu trai dài hơi: Ma cà rồng, Quỷ nhập tràng, Người đẹp ma treo, Biên giới quỷ... của ông khiến người đọc say như điếu đổ, càng khiến tên tuổi Hoàng Ly nổi như cồn.
|
Sẽ làm phim võ hiệp
Tiểu thuyết Một thời ngang dọc gắn liền với phong trào Cần Vương, khi vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp lưu đày sang Algeria, Tôn Thất Thuyết lánh nạn qua Long Châu (Trung Quốc) và quyết định cất giấu số vàng trong kho tàng triều Nguyễn ở một địa điểm không ai biết rồi vẽ tấm bản đồ bí mật lưu lại cho hậu thế. Nhân vật chính của truyện là Hồng Lĩnh có cha là chiến sĩ yêu nước bị Trần Tắc phản bội báo cho giặc Pháp bắt mang đi xử tử. Chàng trai trẻ rời quê nhà lên núi Thập Vạn Đại Sơn làm lạc thảo, được giang hồ đặt cho cái tên Thần Xạ Đại Sơn Vương. Anh gặp và cứu được Phượng Kiều - con gái của Trần Tắc bị bọn thổ phỉ bắt. Về sau Hồng Lĩnh trả mối thù xưa và lấy lại được nửa tấm bản đồ, đem ráp với thủ lĩnh người H’Mông để tìm ra kho báu của ông cha để lại, đánh giặc giữ nước.
Theo con trai nhà văn Hoàng Ly: “Sắp tới, gia đình đang tìm các đối tác để cho tái bản và thực hiện nhiều bộ phim võ hiệp về những tác phẩm của cha tôi: Lửa hận rừng xanh, Nữ tướng miền sơn cước, Nữ chúa hồ Ba Bể, Yêu truyền kiếp (viết chung với Đỗ Hồng Linh), Bát Ba Toong (trào phúng), Biên giới quỷ, Nữ chúa thác Ptầy Lùng, đồng thời chuẩn bị xuất bản Hẹn giờ chết gồm 8 truyện nhằm giới thiệu dòng văn chương tân phái võ hiệp đặc thù của VN cho giới trẻ, có nội dung đề cao đạo lý làm người. Với vốn sống phong phú, sự tích lũy dày dạn và hiểu biết văn hóa ở từng địa phương, điều đặc biệt nhất trong các tác phẩm của cha tôi là những câu chuyện đầy ắp tính nhân văn, tình đất tình người. Truyện võ hiệp đường rừng không chỉ hấp dẫn về mặt giải trí mà vẻ đẹp sơn thủy kỳ thú nơi thâm sơn cùng cốc, xét về khía cạnh văn hóa du lịch còn cung cấp cho bạn đọc nhiều kiến thức tập tục, đặc tính độc đáo của từng vùng miền sơn cước mà càng đọc càng thích”.
Bình luận (0)