Khối thoát vị khổng lồ
Bệnh nhân (BN) nam lớn tuổi đến khám tại khoa Ngoại nhân dân B15 (Bệnh viện 108, Hà Nội) trong tình trạng đau vùng bụng, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn. BN được khám và phát hiện có một khối thoát vị bẹn khổng lồ, to 25x10 cm, sưng phồng và đã có quá trình phát triển trong suốt 10 năm. Một vùng da bìu đã có dấu hiệu hoại tử do thiếu máu nuôi dưỡng. Theo các bác sĩ, đây là một trường hợp đặc biệt hy hữu vì thoát vị bẹn ở người lớn thường chỉ là biểu hiện khối sưng phồng nhỏ chừng vài cm tại vùng bẹn.
Qua phẫu thuật điều trị cho thấy, ổ bụng của BN đã có nhiều dịch viêm hoại tử thối lẫn dịch đường tiêu hóa. Một đoạn ruột khoảng 1,8m bị sa xuống bìu qua lỗ thoát vị đã bị hoại tử thành hai đoạn do một vòng xoắn thắt nghẹt của một dải xơ mà nguyên nhân do bị thoát vị lâu ngày tạo nên. Ruột bị hoại tử, tím đen và thủng vì không được nuôi dưỡng đã làm chảy dịch vào ổ bụng.
|
Tai biến
Theo PGS-TS Triệu Triều Dương, Chủ nhiệm khoa B15, thoát vị bẹn là sự rời vị trí của các tạng trong ổ bụng ra ngoài tại vị trí bẹn bụng. Các tạng là ruột non, mạc nối ở trong ổ bụng (một loại màng mỡ che phủ phía trước các tạng) bị xổ ra ngoài, chui vào dưới da và tạo nên một khối phồng tại bẹn gọi là khối phồng thoát vị. Đặc trưng dễ thấy của thoát vị bẹn là xuất hiện một khối phồng lúc to, lúc nhỏ. Khối này to lên khi vận động và nhỏ đi khi nằm nghỉ.
PGS-TS Triệu Triều Dương cho biết nguyên tắc để điều trị bệnh lý này cơ bản là phẫu thuật nhằm mục đích giải quyết nguyên nhân bệnh, đồng thời đề phòng biến chứng luôn đe dọa tính mạng BN vì tắc hoại tử ruột có thể xảy ra. Yêu cầu của phẫu thuật là cắt bỏ túi thoát vị, tạo hình và tăng cường sự bền vững của vùng bẹn bụng. Do bệnh thường không cấp tính, mức độ đau ít nên người bệnh không quan tâm điều trị vì ngại mổ.
PGS-TS Triệu Triều Dương khuyến cáo, với trường hợp lâu ngày, khối thoát vị ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sinh hoạt như: đau, vướng bận khi lao động và sinh hoạt. Đặc biệt nguy hiểm hơn là tình trạng khối thoát vị bị nghẹt làm hoại tử ruột thì có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Trong trường hợp BN nói trên, khối thoát vị quá lớn từ lâu đã gây cản trở lưu thông đường tiểu tiện vì quy đầu bị tụt sâu vào trong khối thoát vị dẫn đến đi tiểu khó khăn kéo theo viêm nhiễm đường tiết niệu, nhiễm trùng ngược chiều đường tiết niệu gây viêm thận và bể thận, viêm bàng quang.
"Hiện nay, về cơ bản bệnh lý thoát vị bẹn đều có thể được xử lý tốt ở mọi tuyến bệnh viện. Ngoài kỹ thuật mổ mở kinh điển còn có những phương pháp mổ nội soi, thậm chí có thể mổ nội soi một lỗ (single port), sẹo mổ được giấu trong rốn nên không để lộ sẹo" - PGS-TS Triệu Triều Dương |
Liên Châu
Bình luận (0)