Nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu cho rằng thiếu đòn bẩy tín dụng khiến hoạt động tái canh cà phê diễn ra quá chậm.
Vườn ươm của WASI sản xuất cà phê giống phục vụ tái canh ở Tây nguyên - Ảnh: Trung Chuyên
|
2 năm hay 1 năm luân canh?
Vài năm gần đây, vấn đề thu hút nhiều quan tâm của ngành cà phê VN là năng suất giảm do cây cà phê bị già hóa, vượt quá độ tuổi cho năng suất cao nhất của chu kỳ khai thác (20 - 25 năm). Nhiều nghiên cứu còn cho thấy cà phê sau 15 năm tuổi đã giảm dần năng suất. Tái canh cà phê trở thành đề tài thời sự trong sản xuất nông nghiệp ở Tây nguyên, nơi có diện tích cà phê lớn nhất cả nước. Có những lo ngại nếu không thực hiện tái canh trên diện tích già cỗi thì trong vòng 5 - 10 năm tới, sản lượng cà phê VN bị sụt giảm nghiêm trọng.
Theo Cục trồng trọt, Bộ NN-PTNT, hiện diện tích cà phê cả nước là 633.000 ha, trong đó khoảng 140.000 - 160.000 ha già cỗi và sẽ tăng lên khoảng 200.000 ha vào năm 2020. Hầu hết cà phê già nằm ở hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng; riêng Đắk Lắk có trên 100.000 ha cà phê quá độ tuổi cho năng suất cao nhất.
Đến cuối năm 2014, ở Đắk Lắk và Lâm Đồng có khoảng 20.000 ha cà phê già cỗi được tái canh; trong đó Đắk Lắk là 11.300 ha. Nhiều ý kiến cho rằng tái canh cà phê diễn ra còn chậm do vướng ở các mặt: kỹ thuật, tài chính và chính sách. Về kỹ thuật, năm 2013 Bộ NN-PTNT đã ban hành quy trình tái canh, theo đó quy định sau khi nhổ bỏ cà phê già cỗi, phải luân canh cây trồng khác trong 2 năm để làm sạch mầm bệnh hại trước khi trồng lại cà phê. Tuy nhiên, trên thực tế quy trình này chưa được thực hiện triệt để, nhiều nơi có thời gian luân canh ngắn hơn 2 năm.
Mới đây, một nhóm nghiên cứu Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (IPSARD) lại có khuyến cáo nên tái canh sau 6 tháng bỏ hóa (không luân canh) hoặc chỉ sau 1 năm luân canh. Tại một hội thảo về tái canh cà phê mới đây ở Đắk Lắk, vấn đề này đã gây bàn cãi nhưng chưa thống nhất. Tiến sĩ Trương Hồng, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên (WASI), cho biết nhiều diện tích đã luân canh đúng quy trình 2 năm, thậm chí 3 năm, nhưng khi tái canh thì cà phê cũng bị bệnh chết; do đó chưa thể khẳng định tái canh chỉ sau 1 năm luân canh là thành công.
Đa dạng nguồn tín dụng
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng của IPSARD, tái canh cà phê đòi hỏi có nguồn vốn đầu tư lớn đối với nông hộ; tổng nhu cầu vốn vay cho tái canh trong 2 năm của một hộ khoảng 237 triệu đồng/ha.
“Qua khảo sát ở Đắk Lắk và Lâm Đồng, nông dân gặp nhiều vấn đề khi tiếp cận vốn tín dụng. 72% số người được hỏi cho rằng họ thiếu vốn đầu tư tái canh cà phê. Lãi suất cao cộng với thời gian cho vay ngắn là những lý do chính ngăn cản họ vay vốn tái canh”, ông Kiên nói.
Cùng nhận định trên, ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho rằng thiếu vốn tín dụng làm chậm bước tiến tái canh cà phê ở tỉnh này.
Ông Bộ nhìn nhận: “Từ năm 2013, gói tín dụng ngân hàng cho vay tái canh cà phê trong 3 năm ở Đắk Lắk được thỏa thuận là 3.000 tỉ đồng nhưng đến hết năm 2014 mới chỉ cho vay được 120 tỉ đồng. Điều này cũng là nguyên nhân khiến diện tích cà phê tái canh còn hết sức khiêm tốn”.
Ông Trịnh Đức Minh, Phó giám đốc Sở KH-CN Đắk Lắk, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, cũng cho rằng phải tạo đòn bẩy về tài chính và các chính sách liên quan cho tái canh cà phê.
Ông Minh đề xuất: “Nhà nước cần nghiên cứu thành lập quỹ ngành hàng cà phê để cho nông dân vay vốn tái canh, không phải quá lệ thuộc vào ngân hàng”. Theo ông Minh, một số nước sản xuất cà phê trên thế giới có những cách làm đa dạng cần học tập như ngoài quỹ ngành hàng, ngân hàng còn chấp nhận trái phiếu do nông dân phát hành để giúp người trồng cà phê vay vốn sản xuất và trả bằng sản phẩm…
Bình luận (0)