Tại buổi công bố Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển kinh tế châu Á (ADO) 2018 sáng nay, 26.9, tại Hà Nội, các chuyên gia của ADB cho rằng, nhiều yếu tố trong và ngoài nước sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam, khiến triển vọng tăng trưởng sẽ thấp hơn dự báo hồi đầu năm.
Về tác động bên ngoài, tăng trưởng chậm lại ở EU, Nhật Bản và Trung Quốc có thể làm giảm cơ hội xuất khẩu của Việt Nam. Nguy cơ mâu thuẫn thương mại leo thang trên toàn thế giới đe dọa phá vỡ chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu mà Việt Nam đang hội nhập rất sâu.
Ở trong nước, các đợt lũ lụt nặng nề vào tháng 7 và tháng 8 có thể làm suy yếu ngành nông nghiệp, trong khi các mỏ khoáng sản đã khai thác nhiều năm có thể sẽ bị giảm sản lượng khai thác.
Với các nguyên nhân này, dự báo tăng trưởng cho năm nay của ADB được điều chỉnh từ 7,1% đưa ra hồi tháng 4 giảm xuống còn 6,9%, trong khi dự báo mức tăng trưởng cho năm 2019 vẫn giữ nguyên ở mức 6,8%.
Đồng thời, dự báo lạm phát được ABD điều chỉnh tăng từ 3,7% lên 4% trong năm 2018 và từ 4% lên 4,5% với năm 2019.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB Việt Nam, cho rằng thách thức lớn nhất với Việt Nam là lạm phát quay trở lại. Thống kê 6 tháng đầu năm nay cho thấy, lạm phát trung bình đã tăng 3,3%, lạm phát cơ bản tăng nhẹ 1,35% so với cùng kỳ 2017. Nguyên nhân là do gia tăng phí y tế, học phí, đặc biệt là chi phí vận tải do giá xăng dầu tăng.
Áp lực chính lên lạm phát cuối năm là giá lương thực và giá dầu quốc tế tăng.
Thách thức thứ 2, theo ông Cường, là gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
“Trong 6 tháng sẽ khó định lượng tác động cụ thể, mà chỉ có thể dự đoán xu hướng. Chiến tranh thương mại có thể tạo ra cả thuận lợi, cả bất lợi với kinh tế Việt Nam”, ông Cường nói và phân tích: mặt thuận lợi là những mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ áp thuế thì nhà nhập khẩu phải tìm ở nguồn khác, trong đó có Việt Nam. Thuận lợi khác có thể xảy ra, nhà sản xuất Trung Quốc hoặc công ty nước ngoài có thể di dời nhà máy sang nước khác, trong đó có Việt Nam, để tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, theo ông Cường, thách thức vẫn là không nhỏ nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, vì nó ảnh hưởng đến toàn bộ tổng cầu thương mại của thế giới, trong khi Việt Nam là một quốc gia dựa nhiều vào xuất khẩu.
Ảnh hưởng thứ hai là đầu tư, khi nhà đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc lại chiến lược kinh doanh của họ.
Thứ ba là chiến tranh thương mại có thể lan sang căng thẳng về tiền tệ, như Trung Quốc điều chỉnh hoặc phá giá nhân dân tệ, việc này sẽ gây sức ép lên đồng tiền Việt Nam. Bên cạnh đó, cần phải tính đến khả năng Mỹ áp các biện pháp đối kháng với hàng hóa Việt Nam nếu nghi ngờ xuất xứ thực sự là hàng hóa Trung Quốc.
Đặc biệt cảnh báo về tỷ giá, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, áp lực với tỷ giá sẽ xuất hiện cuối năm, thứ nhất do FED tăng lãi suất, thứ hai là khả năng điều chỉnh giá nhân dân tệ của Trung Quốc. Lúc đó, đồng Việt Nam sẽ phải gánh chịu áp lực 2 chiều: tăng giá của đô la, giảm giá nhân dân tệ.
Khuyến nghị của chuyên gia ADB với Việt Nam trong cuộc chiến thương mại này là “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Ông Cường cho rằng việc quá tập trung vào cuộc chiến thương mại có thể làm xao nhãng những cải tổ trong nước cần thiết.
Theo ông Cường, tiếp tục các cải cách, cải tổ, đặc biệt là tăng cường chất lượng môi trường kinh doanh; tăng cường cơ sở hạ tầng, đặc biệt dịch vụ logistic, vì logistic quyết định tính cạnh tranh của nền kinh tế; đa dạng hóa thị trường là việc dù có hay không có chiến tranh thương mại cũng phải làm. Cải thiện tính cạnh tranh của nền kinh tế sẽ giúp Việt Nam vượt qua được ảnh hưởng tiêu cực.
Bình luận (0)