Ba nước nghèo nhất châu Âu muốn dùng đồng euro

Thu Thảo
Thu Thảo
15/05/2018 10:47 GMT+7

Ba quốc gia nghèo nhất thuộc Liên minh châu Âu (EU) giờ đây thể hiện nhã ý sử dụng đồng tiền chung euro.

Theo Bloomberg, nước mới nhất thể hiện ý định dùng đồng euro là Romania. Tuần trước, họ cho hay sẽ trình bày chiến lược vào cuối năm nay, vực dậy ý tưởng từng bị hoãn vào năm 2015. Romania cùng Bulgaria và Croatia là ba nước đang tìm cách gia nhập khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Làm như trên, ba nước ở vùng Balkan sẽ gần hơn với trung tâm EU giữa lúc có nhiều câu hỏi được đặt ra về cách phân phối trong tương lai các quỹ phát triển quan trọng.
Kế hoạch của ba nước nghèo nhất EU tương phản với các nước giàu hơn ở phía đông Âu. Trong khi Slovenia, Slovakia và các nước vùng biển Baltic như Estonia, Latvia, Lithuania đều dùng euro, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary chưa có kế hoạch cụ thể nào cho việc sử dụng đồng tiền chung.
Khoảng cách GDP bình quân đầu người của Bulgaria, Romania và Croatia với các nước thuộc eurozone là khá xa Ảnh: Bloomberg
Kinh nghiệm của Hy Lạp về những gì xảy ra khi chính sách tiền tệ độc lập đầu hàng không giúp ích gì. Song với các thành viên ít giàu có nhất EU, các quỹ phát triển có thể sẽ cần thiết trong nhiều năm tới trong lúc họ cố gắng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Sự chuẩn bị của Bulgaria là khả thi nhất. Đất nước nghèo nhất EU đã neo đồng lev vào đồng euro, và muốn tham gia cơ chế tỷ giá hối đoái, tiền thân của việc sử dụng đồng euro, vào mùa hè này. Croatia thì có kế hoạch chuyển sang dùng đồng tiền chung trong 5-7 năm tới. Trong khi đó, Romania, đất nước đông dân nhất trong ba quốc gia trên với 20 triệu người, chưa tiết lộ thời điểm mục tiêu cụ thể.
Romania muốn đạt 70% GDP bình quân đầu người hằng năm của eurozone vào năm 2020, tăng từ mức 60% hiện nay. Chính phủ Romania cho biết: “Thiết lập ngày cụ thể chấp nhận sử dụng đồng euro đòi hỏi sự phân tích chuyên sâu, đặc biệt là sự hội tụ cấu trúc, thể chế và thực tế”.
Hiện không rõ các nước muốn tham gia sẽ được ứng xử ra sao. Trong khi Bulgaria đáp ứng tiêu chí, được lãnh đạo Đức và Pháp hậu thuẫn, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dường như ít hào hứng với nước này hơn sau nhiều vụ bê bối tài chính ở đông Âu. Croatia và Romania thì có kinh tế yếu. Hội nghị về tương lai EU hậu Brexit diễn ra vào mùa xuân năm sau ở Romania có thể làm sáng tỏ hơn về triển vọng gia nhập eurozone của ba nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.