Bài học quy hoạch từ tư duy

19/06/2017 08:00 GMT+7

Quy hoạch và thực hiện nghiêm chỉnh quy hoạch là yếu tố cốt lõi để đảm bảo sự phát triển đúng hướng của quá trình đô thị hóa. Những gì đang diễn ra ở Phú Mỹ Hưng là bài học quý giá nhưng không dễ phổ cập.

 Ông Phan Chánh Dưỡng -  Giám đốc Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting - một trong những người đầu tiên tham gia khai sinh ra Phú Mỹ Hưng
Ông Phan Chánh Dưỡng - Giám đốc Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting - một trong những người đầu tiên tham gia khai sinh ra Phú Mỹ Hưng P.M.H
       

Phú Mỹ Hưng là một trong số rất ít những khu đô thị không rơi vào những vấn đề đô thị chung: mật độ dân số quá mức, lấn chiếm vỉa hè, ô nhiễm. Đó là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn là sự tồn tại của nó không những không “lấn át” mỹ quan và không gian sống của khu vực lân cận mà còn tôn tạo, thúc đẩy cùng phát triển, không chỉ đối với quận 7, không chỉ đối với TP.HCM mà còn kết nối cả một vùng rộng lớn ngoài thành phố. Chuyện lớn hơn nữa là Phú Mỹ Hưng không phải là khu đô thị tĩnh, nó nằm trong dòng chảy phát triển bền vững, dường như ngay từ đầu nó đã đón bắt đúng mạch xu hướng của tương lai, một xu hướng tương tác cộng hưởng của các yếu tố về không gian sống, thị trường, văn hóa, giao lưu hội nhập quốc tế và quản lý vận hành.

Tầm vóc và sự tài giỏi của những người khai sinh ra khu đô thị Phú Mỹ Hưng là đưa cái mạch xu hướng đó vào ngay từ khâu quy hoạch. Và họ đã chọn những nhà quy hoạch và thiết kế hàng đầu thế giới để thể hiện ý tưởng này. Khai sinh ra Phú Mỹ Hưng là những người lãnh đạo TP.HCM xuất thân từ kháng chiến, từng “vượt rào” để thúc đẩy công cuộc Đổi mới đất nước, như ông Võ Văn Kiệt và ông Võ Trần Chí cùng nhà đầu tư tâm huyết là ông Lawrence S.Ting và đội ngũ các chuyên gia tầm cỡ của thành phố cũng như của các bộ, ngành T.Ư thời đó. Có điều này phải lưu ý, việc phát triển khu đô thị này dù thuộc về một liên doanh là Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, nhưng là thành tựu, là sản phẩm của thành phố, của đất nước, là sự hội tụ tầm nhìn của những con người lỗi lạc. Những người chứng kiến thời điểm ra đời của Phú Mỹ Hưng đều khẳng định, nếu như không có ông Võ Văn Kiệt, ông Võ Trần Chí thì khu đô thị này khó mà ra đời và nếu như không có ông Lawrence S.Ting thì diện mạo của Phú Mỹ Hưng chắc chắn không được như ngày hôm nay. Các nhà lãnh đạo của chúng ta thường nói, “thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là thành công của Việt Nam”, trong trường hợp của Phú Mỹ Hưng câu nói này chính xác về mọi phương diện, chính xác đến tận nghĩa đen của nó.

Phải hiểu sự ra đời của Phú Mỹ Hưng trong bối cảnh nào thì mới hiểu hết tầm cỡ vượt trội của những con người lỗi lạc. Thời điểm chuẩn bị quy hoạch Nam Sài Gòn và khởi động dự án Phú Mỹ Hưng chỉ diễn ra sau khi công cuộc Đổi mới được khởi xướng một thời gian ngắn chưa tới 5 năm. Lúc ấy dù cả nước bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng cơ chế tập trung quan liêu bao cấp vẫn còn ăn sâu trong cấu trúc xã hội, trong các định chế nhà nước và nếp nghĩ của những người thi hành công vụ. Không ai tin vào một dự án bứt phá ở một vùng nghèo khó chẳng có một thứ hạ tầng gì như Nam Sài Gòn. Kiến trúc sư Lê Văn Năm, nguyên là kiến trúc sư trưởng của TP.HCM, cũng là người tham gia từ đầu dự án này, nhớ lại lúc đó nhà nước chưa có một chính sách và quy định gì rõ nét nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm từng bước, nếu không có những người đứng mũi chịu sào thì không thể có được ngày hôm nay. “Nếu không có hai anh Võ Văn Kiệt và Võ Trần Chí ủng hộ và chỉ đạo thì không bao giờ được như thế này”, ông Năm nói.

Ông Phan Chánh Dưỡng là một trong những người đầu tiên tham gia khai sinh ra Phú Mỹ Hưng. Ông nói, điều ấn tượng nhất đối với ông là “chúng ta đã chọn được nhà đầu tư, một nhà đầu tư có tầm, có tâm và dũng cảm”. Quận 7 - Nhà Bè khi xưa là vùng vô cùng nghèo khó, Phú Mỹ Hưng đã làm thay đổi bộ mặt cả một vùng đất, nhưng khi đến đây vào lúc chuẩn bị quy hoạch, ông Lawrence S.Ting từng nói với ông Dưỡng: “Đô thị hóa đến vùng đất này nhưng nhất định không làm thiên nhiên mất đi”. Giờ thì Phú Mỹ Hưng được bao quanh bởi cỏ cây sông nước, cái hiện đại hài hòa trong thiên nhiên, nhìn sự hiện hữu của khu đô thị ta có cảm giác như thể con người chỉ lấy của thiên nhiên những gì mà thiên nhiên cho phép. Bài học gì rút ra ở đây? Đó là bài học lựa chọn nhà đầu tư. Không phải là người yêu thiên nhiên như ông Lawrence S.Ting thì không thể có một bản quy hoạch như Nam Sài Gòn và một khu đô thị như Phú Mỹ Hưng. “Đây không phải là những gì bạn có thể mang đi mà là những gì bạn có thể để lại”, ông Ting từng nói với kiến trúc sư John Lund Kriken, tác giả đồ án quy hoạch Nam Sài Gòn.

Bài học về quy hoạch ở đây không dừng lại ở tầm nhìn chuyên môn nên không dễ học. Muốn học được, phải có một tầm nhìn không bị che khuất, xuất phát từ tấm lòng trong sáng với nước với dân. Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn sinh thời nói với chúng tôi một câu nhiều ẩn ý: “Phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng thể hiện một tầm nhìn chính trị đối với tương lai của đất nước”. (Còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.