Bầm dập quyết toán thuế

31/03/2013 03:15 GMT+7

Sau một năm lặng lẽ thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân với nhà nước, những ngày này nhiều người phải lo hoàn tất việc quyết toán. Thủ tục này dù được coi là đã cải tiến nhiều song người dân vẫn phải “vật lộn” với hàng loạt công đoạn rối bời.

Bầm dập quyết toán thuế
Người dân kê khai quyết toán thuế TNCN năm 2012 tại Cục Thuế TP.HCM hôm qua - Ảnh: Khả Hòa

Chuyển file mềm lên trước

 

Do số tiền đóng thuế dư nên vừa rồi tôi liên hệ cơ quan thuế 2 - 3 lần để nhờ hướng dẫn làm thủ tục quyết toán thuế. Đi tới đi lui nhiều lần thấy mệt quá. May mà sau đó được người quen rành rẽ vụ này giúp

Ông Phụng, một người dân ở TP.HCM

Chị Ngọc đang làm việc tại một công ty có trụ sở ở Q.1 nhưng nhà thì ở Q.Thủ Đức, TP.HCM. Chị kể khi đi làm thủ tục thì một cán bộ thuế bảo: “Chị có đăng ký hộ kinh doanh ở Q.Thủ Đức mà sao trong hồ sơ không thấy kê khai, chị về kê khai lại và lên Chi cục Thuế Q.Thủ Đức để nộp”.

Cầm bộ hồ sơ kê khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ra khỏi cơ quan thuế, chị Ngọc nói với chúng tôi: “Đây là lần thứ 2 tôi lên cơ quan thuế nộp tờ khai. Cách đó vài ngày, khi nộp tờ khai, cán bộ thuế yêu cầu tôi phải chuyển file mềm lên trước rồi mới nộp tờ khai bằng giấy. Sau khi nộp file mềm, tôi lên lại thì họ hướng dẫn về Chi cục Thuế Q.Thủ Đức. Công ty tôi làm việc ở Q.1 và cơ quan thuế quản lý là Cục Thuế TP.HCM, tôi không biết phải nộp hồ sơ ở đâu. Tôi cũng có học về kế toán nhưng thấy thật lúng túng khi đi làm quyết toán thuế cho mình vì các hướng dẫn không rõ ràng. Chỉ riêng việc làm quyết toán ở đâu thôi đã thấy mệt. Theo tính toán sơ thì số tiền thuế TNCN của tôi đóng dư khoảng 900.000 đồng nên tôi làm để xin hoàn thuế. 2 lần lên cơ quan thuế mất cả 2 buổi mà vẫn chưa xong hồ sơ nên cũng nản quá, tôi cũng không biết mình có nên tiếp tục theo đuổi làm quyết toán để nhận lại số tiền này không”.

Một người dân khác là ông Phụng (TP.HCM) cho biết ông đã mất khoảng 10 ngày đi tìm hiểu và thực hiện các thủ tục, xác nhận các chứng từ để xin hoàn lại khoảng 10 triệu đồng tiền thuế TNCN nộp dư. “Tôi nghỉ hưu từ tháng 5.2012 và sau đó làm cộng tác viên cho một đơn vị. Đơn vị này khấu trừ 10% mỗi khi trả thu nhập cho tôi. Do số tiền đóng thuế dư nên vừa rồi tôi liên hệ cơ quan thuế 2 - 3 lần để nhờ hướng dẫn làm thủ tục quyết toán thuế. Đi tới đi lui nhiều lần thấy mệt quá. May mà sau đó được người quen rành rẽ vụ này giúp nên tôi cũng xong hồ sơ và nhận được tiền thuế”, ông Phụng kể.

Lên mạng tải tờ khai

 

Chạy đua với thời hạn

Hôm nay (ngày 31.3) dù là chủ nhật nhưng Cục Thuế TP.HCM vẫn tiếp tục triển khai hỗ trợ đối với cá nhân kê khai, quyết toán thuế năm 2012. Ngoài việc tư vấn, cán bộ thuế còn nhập tờ khai hộ cho người nộp thuế, chuyển file mềm và in tờ khai để cá nhân nộp cho cơ quan thuế. Theo quy định, hồ sơ quyết toán phải nộp chậm nhất đến ngày 1.4. Riêng đối với hồ sơ quyết toán để hoàn thuế nộp sau thời điểm này không bị phạt vi phạm hành chính. Trong tuần lễ từ 24 - 30.3, Cục Thuế TP.HCM đã hỗ trợ kê khai thuế miễn phí cho hơn 4.000 bộ hồ sơ.

Ngoại trừ việc giảm trừ gia cảnh, luật Thuế TNCN không cho phép người dân được khấu trừ bất kỳ chi phí hợp lý, hợp lệ mà họ phải trả khi làm ra thu nhập để tính thuế như mua sắm phương tiện đi lại phục vụ công việc, trả lãi vay ngân hàng khi vay tiền mua nhà đất, học phí cho các lớp học...

Một trường hợp dở khóc dở cười là chị Loan, ngụ ở Hà Nội. Từ tháng 1 đến tháng 7.2012, chị Loan làm việc tại một đơn vị ở TP.HCM, mã số thuế cá nhân của chị do cơ quan thuế TP.HCM cấp. Từ tháng 7 đến hết tháng 12.2012, chị Loan lấy chồng và chuyển ra Hà Nội sinh sống, trong thời gian này chị Loan nghỉ làm. Do thấy số thuế TNCN trước đó đóng thừa nên chị làm hồ sơ xin hoàn thuế. Khi liên lạc cơ quan thuế tại Hà Nội, cán bộ thuế yêu cầu chị vào TP.HCM làm thủ tục vì cho rằng mã số thuế cá nhân của chị do cơ quan thuế ở TP.HCM cấp.

Chị Loan bức xúc: “Lúc lên Chi cục Thuế ở Hà Nội chỗ tôi ở nhờ hướng dẫn, cán bộ thuế tại đây nói tôi liên hệ với cơ quan thuế cấp mã số thuế để hướng dẫn. Tôi bực quá nói tôi có hộ khẩu Hà Nội sao không hướng dẫn tôi. Lúc này, cán bộ thuế đòi xem hộ khẩu. Trong hồ sơ thuế không có yêu cầu hộ khẩu nên tôi không đưa. Sau đó tôi lên Cục Thuế Hà Nội thì họ hướng dẫn tôi chi tiết hơn như lên mạng tải tờ khai về ghi tờ khai. Với một người dân không biết về kế toán sổ sách như tôi, nhìn vào các cột điền trong mẫu tờ khai theo ngôn ngữ của dân làm kế toán thì làm sao tôi hiểu mà ghi cho được. Mất 1 tuần không làm được, tôi đành nhờ 2 cán bộ thuế quen biết làm giúp nhưng do không làm ở lĩnh vực thuế TNCN nên họ cũng không biết phải khai thế nào. Thế là phải tiếp tục nhờ một người bạn làm kế toán chuyên về khai thuế TNCN điền hộ tờ khai và chuyển giúp file cho cơ quan thuế. Vài ngày sau, người được tôi ủy quyền lên cơ quan thuế nộp hồ sơ thì cán bộ thuế bảo ghi sai và họ giúp chúng tôi ghi lại hồ sơ rồi chuyển file mềm lên lại. Nhưng do tôi ở Hà Nội nên người quen phải chuyển bộ hồ sơ ra Hà Nội cho tôi ký để tôi chuyển ngược lại vào TP.HCM để nộp cho cơ quan thuế”...

Chị Loan bảo hiện chị đang thất nghiệp và nuôi con nhỏ nên mới chịu “bị hành” như vậy để xin hoàn tiền thuế đã đóng thừa 5 triệu đồng, chứ nếu không chắc chị cũng bỏ luôn cho rồi. “Trường hợp cơ quan thuế TP.HCM yêu cầu tôi có mặt mà không chấp nhận ủy quyền, lúc đó tôi cũng không biết tính sao vì không lẽ mua vé máy bay bay từ Hà Nội vào TP.HCM. Tiền vé máy bay còn cao hơn cả tiền hoàn thuế”, chị Loan bức xúc.

Mỗi nơi hướng dẫn mỗi kiểu

Trường hợp như chị Loan không phải hiếm. Trên thực tế để biết được nơi nào nhận hồ sơ cũng không đơn giản bởi cán bộ thuế mỗi nơi hiểu mỗi kiểu, mặc dù hướng dẫn quyết toán thuế TNCN năm 2012 của ngành thuế quy định: “Cá nhân đã tính giảm trừ cho bản thân tại đơn vị trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ tại cơ quan thuế quản lý đơn vị trả thu nhập đó. Trong năm có thay đổi đơn vị làm việc thì nộp tại cơ quan thuế quản lý đơn vị cuối này. Cá nhân chưa tính trừ cho bản thân thì nộp tại chi cục thuế nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú)”.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, khẳng định: “Trường hợp của chị Loan nói trên đã có hộ khẩu ở Hà Nội thì có thể quyết toán thuế tại Hà Nội”. Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, cũng bảo: “Cơ quan thuế nào không nhận hồ sơ quyết toán thuế của cá nhân là đã làm sai. Theo tôi, khi cá nhân đã đi nộp hồ sơ quyết toán thuế thì cơ quan thuế nên linh hoạt giải quyết và nhận. Cá nhân nộp hồ sơ ở nơi cư trú hay nơi cơ quan làm việc, chỗ nào họ thấy thuận lợi trong việc quyết toán, hoàn thuế thì cơ quan thuế cũng đừng nên gây khó khăn vì dù sao cá nhân đó cũng tuân thủ pháp luật về thuế, từ đó luật Thuế TNCN mới đi vào đời sống người dân được”.

Trong khi đó, nhiều người dân đi làm quyết toán thuế cho rằng “đau đầu” nhất là các chỉ tiêu yêu cầu trong Tờ khai quyết toán thuế TNCN mẫu 09/KK-TNCN. Đó là một thách đố đối với những ai không biết về kế toán. Chẳng hạn tờ khai yêu cầu cá nhân điền đầy đủ chỉ tiêu “tổng thu nhập chịu thuế trong kỳ”, trong đó yêu cầu “tổng TNCN phát sinh tại Việt Nam”, “tổng thu nhập chịu thuế  làm căn cứ tính giảm thuế”. Đến cột thứ 3 lại yêu cầu ghi “tổng thu nhập chịu thuế”. Ở cột số 4 lại có chỉ tiêu “tổng số thuế TNCN phát sinh trong kỳ”; đến cột 5 là “tổng số thuế đã nộp, đã khấu trừ, đã nộp trong kỳ”, trong đó lại yêu cầu ghi “đã khấu trừ, đã nộp, đã nộp ở nước ngoài được giảm trừ (nếu có)”...

Một người dân bình thường sẽ không thế nào hiểu và ghi các mục trên cho đúng, thế nào là thu nhập chịu thuế và thế nào là thu nhập tính thuế, thế nào là “đã khấu trừ”, “đã nộp”... Chuyên gia như vấn như ông Nguyễn Thái Sơn cũng nhìn nhận: “Đúng là đối với người dân thì từ ngữ này cũng hơi khó hiểu. Trong luật Thuế TNCN có một số khoản thu nhập không chịu thuế nên việc ghi “Tổng thu nhập chịu thuế” ở đây là đã loại ra những thu nhập này. Còn chỉ tiêu “Tổng thu nhập tính thuế” là nhằm chỉ thu nhập đã trừ các khoản được giảm trừ”.

Dịch vụ được mùa

Bà Trần Thị Lệ Nga giải thích, cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công làm thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế nếu có số thuế đề nghị hoàn thì không phải nộp hồ sơ hoàn thuế mà chỉ cần ghi số thuế đề nghị hoàn vào chỉ tiêu “Tổng số thuế đề nghị hoàn” tại tờ khai theo mẫu 09 khi quyết toán thuế. Sau đó, cơ quan thuế sẽ có công văn trả lời được hoàn hay không. Trong trường hợp hồ sơ được hoàn thuế, tùy theo yêu cầu của cá nhân là được nhận tiền mặt tại kho bạc hay ủy quyền cho người khác nhận, hay chuyển vào tài khoản của cá nhân đó...

Trước thực tế quá rắc rối như vậy, nhiều người chấp nhận trả tiền thuê dịch vụ. Theo anh Tuấn, kế toán một đơn vị ở Q.1, cá nhân không biết về sổ sách kế toán thì nên thông qua các đại lý khai thuế, quyết toán thuế của các công ty. Chi phí dịch vụ này vài trăm ngàn đồng một bộ hồ sơ kê khai, quyết toán.

Dịch vụ kê khai thuế TNCN có lẽ vì thế đã phát triển nở rộ trong thời gian qua, với chi phí mỗi nơi mỗi khác. Công ty kế toán và tư vấn V. (Q.10, TP.HCM) báo giá chi phí cho một bộ hồ sơ kê khai, quyết toán đối với người có thu nhập từ 2 nơi trở lên là 1,5 triệu đồng. Một công ty tư vấn thuế khác thì cho biết: “Chi phí cho một bộ hồ sơ mà công ty đưa ra từ 300.000 - 500.000 đồng, riêng đối với người nước ngoài thì chi phí này lên 4 - 5 triệu đồng/bộ hồ sơ”.

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế: Cố tình gây phiền toái

Bất cứ luật thuế nào khi ra đời và áp dụng vào thực tiễn phải đạt được mục tiêu quan trọng nhất là đơn giản, dễ hiểu. Riêng với luật Thuế TNCN thì thực sự năm nào người dân đi quyết toán cũng rất vất vả, ùn tắc vì thiếu hướng dẫn, nếu có hướng dẫn thì cũng rất khó hiểu, gây phiền toái, lúng túng cho họ.

Tôi xin đề xuất để đơn giản thủ tục, cơ quan thuế phải viết mẫu, thậm chí barem thu nhập 1 tháng ở mức này thì tương đương với mức thuế suất cụ thể là 5%, 10%... như một bảng cửu chương. Đồng thời dán sẵn một vài mẫu khai ở địa điểm người dân làm thủ tục cho họ nhìn vào để kê khai. Nhưng họ không chịu làm động tác đó, cứ xập xí xập ngầu gây khó dễ, phiền toái để thu được nhiều. Có gì khó đâu khi làm một biểu mẫu từ 1 triệu đến 100 triệu đồng, chia ra tương ứng với các bậc thuế, để người dân tra bảng mà kê khai. Chắc họ sợ làm thế thì đơn giản quá, thì người dân không cần đến cán bộ thuế nữa...

Tôi cũng đã phát hiện ngay trong quá trình tính thuế, cơ quan thuế cũng đã tính sai, gây thiệt hại cho người nộp thuế. Ví dụ, nếu thu nhập của tôi 10 triệu đồng, thường khi tính tạm thu cơ quan thuế trừ

luôn 10% là 1 triệu đồng. Trong khi theo đúng luật là phải trừ đi 4 triệu đồng tiền giảm trừ cho bản thân người nộp thuế, trừ đi các khoản bảo hiểm... Tổng các khoản này khoảng 5 triệu đồng, khi đó mới được tính thuế. Nhưng người làm thuế tính luôn 10%, nên người nộp thuế bao giờ cũng bị thiệt. Họ cố tình làm như vậy, để thu tiền của người nộp thuế. Còn nếu biết thì họ nói là tạm thu, cuối năm quyết toán tổng thể. Cho nên thuế TNCN bao giờ cũng lạm thu rất nhiều.

Anh Vũ (ghi)

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.