Theo Bộ NN-PTNT, tổng thiệt hại sau trận mưa lũ tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vừa qua, ước khoảng 6.316 tỉ đồng (trong đó 208.000 ha hoa màu và 26.000 ha diện tích thủy sản bị ngập úng). Gần như tất cả các thiệt hại đó đều không có bảo hiểm (BH). Thực tế cho thấy một nghịch lý, VN là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sinh sống bằng nghề nông nhưng nông dân lại không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Chính điều này khiến các doanh nghiệp (DN) BH thu hẹp thị phần sản phẩm BHNN.
Tâm lý “được ăn mất chịu”
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện tỉ trọng tham gia BHNN của nông dân VN rất thấp, chưa tới 1% tổng diện tích cây trồng, vật nuôi... Do vậy, mặc dù hình thức BHNN đã được Bảo Việt và Groupama (100% vốn của Pháp) triển khai từ rất sớm (năm 1992) với nhiều loại hình BH như: BH trồng trọt, BH chăn nuôi, BH cây lúa, BH ngập úng... nhưng chỉ sau 5 năm thí điểm vẫn không được nông dân các vùng miền ủng hộ và tham gia nên một số dự án phải dừng lại để tìm định hướng mới.
Sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, giá trị không cao, thu nhập thấp... khiến nông dân quen với tâm lý “được ăn, mất mùa chịu”. Họ cho rằng nuôi vài trăm con gà lời lãi không nhiều mà mua BH thì hết lãi. Hoặc chưa thực sự tin tưởng là sẽ được bồi thường... Mặt khác, thủ tục, văn bản, quy định rườm rà khi mua BHNN cũng là một rào cản lớn đối với nông dân. Như trường hợp của anh Hưng (nuôi tôm ở Cần Thơ), khi đầu tư tôm giống, anh đã mua BHNN cho tôm. Lúc nhận thấy đàn tôm có dấu hiệu bất ổn, anh báo cho công ty BH xuống kiểm tra thì được yêu cầu phải có “ phiếu kết quả chỉ thị virus gây bệnh tôm” do Phân viện Khoa học Vật liệu tại Nha Trang thực hiện. Nhưng khi lấy kết quả về Cần Thơ thì anh được cho biết là kết quả không hợp lệ vì trên phiếu có đóng dấu “treo”...
Các DN BH cũng thờ ơ với loại hình này vì vất vả, lại rủi ro cao. Ông Trần Vĩnh Đức, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, đây là một thị trường đầy tiềm năng nhưng nhận thức của nông dân về BH còn hạn chế. Trước đây, Bảo Minh cũng dự tính sẽ ký hợp đồng với một công ty chuyên cung cấp, xuất khẩu lúa gạo để BH cho những nông dân trồng lúa. Tuy nhiên, DN này đang gặp khó vì giá thành sẽ được đẩy lên nếu ký hợp đồng trong khi chưa có chính sách hỗ trợ để thực hiện.
Cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Theo ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, DN và nông dân chưa “gặp nhau” là do BHNN đưa ra chưa phù hợp với tiêu chí và nhu cầu của nông dân. Người dân thường quan tâm đến loại hình BH giá cả, nhưng các DN không bán vì rủi ro cao. Trong khi đó, DN BH chỉ nhận BH cho các loại cây, vật nuôi ít rủi ro thì nông dân không muốn mua là chuyện tất nhiên.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội BH VN, cho rằng BHNN chưa phát triển được một phần là do hiện nay chưa có một phương pháp đánh giá nào chính xác giúp DN BH đánh giá rủi ro và phân định thiệt hại một cách khách quan. BHNN chỉ có thể thực hiện thành công khi nó trở thành một chính sách của Nhà nước. Nên gắn các chính sách về BHNN với chính sách tài chính đối với nông nghiệp, nông thôn để tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi thu hút các DN BH cũng như khuyến khích người dân tham gia BH. Nhà nước nên dùng một phần ngân sách để hỗ trợ người dân tham gia BH, hỗ trợ DN triển khai BHNN để hình thành nên quỹ BHNN thì sẽ hiệu quả hơn.
Tại Trung Quốc, hiện nay các DN BH đang được chính phủ khuyến khích phát triển BHNN, thu hút khoảng 91% nông dân tham gia. Thống kê cho thấy BHNN của họ đã tăng 16,2% trong năm 2006, đạt mức 850 triệu nhân dân tệ (khoảng 109,3 triệu USD).
Theo Quỳnh Chi / Người Lao Động
Bình luận (0)