Blockchain dần trở thành công cụ chính trong trận chiến an toàn thực phẩm

05/06/2017 16:40 GMT+7

Blockchain, công nghệ nền tảng đằng sau đồng tiền bitcoin, đang trở thành hệ thống kỹ thuật số để xác định an toàn thực phẩm và nguồn gốc hàng hóa.

Theo Japan Times, ngành thực phẩm đang chuyển sang dùng công nghệ tương tự như dạng công nghệ được sử dụng trong hệ thống tiền tệ ảo để tăng cường an toàn thực phẩm. Công nghệ này cho phép các bên khác nhau trong chuỗi cung ứng sử dụng những mã riêng lẻ cho hàng hóa để theo dõi thịt, cá, nông sản từ trang trại cho đến bàn ăn, chia sẻ chi tiết ngày giết mổ động vật hoặc điều kiện thời tiết vào thời điểm thu hoạch. Dữ liệu thu về sẽ được truyền thẳng vào một nền tảng chuyên dụng, và có thể được lưu trữ thông qua hình ảnh trên điện thoại thông minh. Hệ thống blockchain cũng có khả năng chống lại gian lận, phân phối nhầm và quản lý lượng hàng tồn kho.
Tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Mỹ Wal-Mart đang thử nghiệm hệ thống công nghệ blockchain cho các mặt hàng xoài ở Mỹ và thịt heo từ Trung Quốc. “Tôi thấy cái gọi là hệ thống thực phẩm kỹ thuật số rất có tiềm năng. Lợi thế của công nghệ blockchain là tất cả thông tin nguồn đều được cập nhật ngay lập tức, và các bên đều có quyền truy cập thông tin mới nhất. Đối với các công ty, công nghệ này cho phép xác định nguồn gốc của vấn đề nhanh hơn”, Frank Yianmas, Phó giám đốc về an toàn thực phẩm của Wal-Mart cho biết, đồng thời chỉ ra một trường hợp mà hàng trăm nhà điều tra làm việc theo hệ thống giấy tờ đã phải mất đến hai tuần mới xác định được nguồn gốc của đợt rau bina có chất lượng xấu vào năm 2006.
Nhà khai thác vận tải Đan Mạch Maersk cũng thử nghiệm công nghệ Blockchain cho các chuyến tàu container giữa Kenya - Hà Lan và ước tính công nghệ này có thể giúp tiết kiệm hàng tỉ USD bằng cách loại bỏ gian lận, giao hàng sai.
Những người ủng hộ blockchain cũng đặc biệt ủng hộ việc áp dụng công nghệ này vào trận chiến an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là khi mối quan tâm về cây trồng biến đổi gen và thực phẩm có thành phần nhân tạo đang ngày càng tăng. Nguyên nhân là do tính minh bạch được nâng cao khi người tiêu dùng cũng có thể trực tiếp tìm kiếm, xác định thông tin về nguồn gốc thực phẩm.
Song, không chỉ riêng trong lĩnh vực thực phẩm, công nghệ nền tảng của hệ thống tiền tệ ảo còn được chấp nhận bởi các công ty trong ngành kinh doanh đồ trang sức, đặc biệt là kim cương nhằm tránh việc mua bán kim cương từ những vùng đất bị xung đột, chiến tranh. “Mục đích của chúng tôi là cung cấp sự minh bạch trong từng bước của cuộc hành trình kim cương và cuối cùng thay đổi cách chúng ta kinh doanh kim cương trên toàn cầu”, Leanne Kemp, Giám đốc điều hành của Everledger, đã theo dõi các viên kim cương từ khi còn ở trong hầm mỏ đến khi được vận chuyển tới các cửa hiệu bán đồ trang sức tại Anh, cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để hệ thống công nghệ blockchain hoạt động được trên diện rộng sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, sự đầu tư cũng như khả năng tương tác lớn, có hiểu biết giữa các bên liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.