Hiện thực không thể chấp nhận
"Tôi đã biết được ý tưởng của các bạn về dự án phát triển cà phê bền vững. Đây là một việc làm có ý nghĩa rất lớn cho cả Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên. Việc hình thành một trung tâm du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia và quốc tế gắn với cà phê là một việc hoàn toàn có thể" Bà Nguyễn Thị Bình |
Suy nghĩ này nhận được sự đồng cảm của nhiều đại biểu tham dự hội nghị. Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cả nước hiện có gần 500.000 ha cà phê và kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2006 đạt hơn 1,1 tỉ USD. Tuy nhiên, việc phát triển trồng và chế biến cà phê vẫn còn những hạn chế. Với năng suất cà phê bình quân khoảng 1,7 tấn/ha, Việt Nam được xếp vào loại cao nhất thế giới (năng suất bình quân của các nước trồng cà phê thấp hơn 0,7 tấn/ha). Nhưng thế giới chỉ biết đến Việt Nam với sản lượng cà phê tăng vọt chứ hiểu biết về những thương hiệu thì còn rất hạn hẹp. Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước khác trong khu vực từ 50-70 USD/tấn, thậm chí đến hơn 100 USD/tấn.
Tiến sĩ Gary Bogard (Mỹ) cho biết: "Ở Việt Nam, tôi đã được thưởng thức nhiều sản phẩm cà phê của Trung Nguyên, tôi nhận thấy rằng hương vị ngon không thua kém các loại cà phê nổi tiếng tôi đã từng uống. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, trước khi tôi đến đây, tôi đã lên mạng tìm kiếm Google và thử gõ cụm từ "Việt Nam-Đắk Lắk", chỉ thấy hiển thị những thông tin về chính trị, xã hội, du lịch... chứ không thấy nói đến cà phê. Trong khi đó, tôi tìm bằng cụm từ "Blue Mountain" thì lại xuất hiện hàng loạt những sản phẩm cà phê. Đây là một nhãn hiệu cà phê nổi tiếng của thế giới. Phải làm sao khi người ta gõ chữ cà phê trên Google là thấy được ngay những thông tin về cà phê, về du lịch Việt Nam".
"Thiên đường" không xa
Theo đề án "Thiên đường cà phê" được trình bày, giai đoạn 5 năm lần thứ nhất là giai đoạn vừa vận động vừa minh chứng. Cụ thể là vận động Chính phủ để có được cơ chế, chính sách, sự ủng hộ vĩ mô; hình thành dự án cấp nhà nước, hoặc cơ chế của một đặc khu phát triển bền vững, vận động hợp tác chiến lược với các quốc gia trồng cà phê trên thế giới, vận động và tổ chức các chuyên gia cho công nghệ triển khai dự án, các nhóm chuyên gia hàng đầu; vận động giới trí thức khoa học trong và ngoài nước để tạo ra triết lý cà phê Việt Nam cùng các quy trình cấu thành quan trọng.
Giai đoạn 5 năm lần thứ hai sẽ là cao trào của sức mạnh tổng lực, khi đó sẽ có được quy hoạch tổng thể Buôn Ma Thuột trở thành thành phố đặc trưng cà phê, xây dựng chỉ dẫn cà phê Buôn Ma Thuột với 5-10% cà phê thượng hạng đủ sức nâng giá cho toàn bộ cà phê xuất xứ từ Việt Nam, xây dựng mô hình sản xuất cà phê tốt nhất, cơ chế liên kết giữa các nước xuất khẩu cà phê và những định chế tài chính, công nghệ có tính trung lập cao (Nhật Bản, Singapore, các nước Bắc u: Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan...); xây dựng Bảo tàng cà phê thế giới tại Buôn Mê Thuột, khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng cà phê, thủ phủ cà phê ảo trên internet...
Ngay tại hội nghị, ông Lữ Ngọc Cư - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, tuyên bố: "Bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ họp phân công cho các đơn vị chức năng cùng ngồi vào làm việc, hoàn chỉnh đề án phát triển cà phê bền vững ở Đắk Lắk và chuẩn bị trình lên Chính phủ".
Quang Thuần
Bình luận (0)