Các quan chức tài chính toàn cầu nói gì về kinh tế thế giới?

23/04/2018 21:49 GMT+7

Mặc dù đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ kể từ năm 2011 đang đem lại lý do để lạc quan hơn về kinh tế toàn cầu, nhưng các nhà lãnh đạo tài chính vẫn rất lo ngại trước những tác động của chủ nghĩa bảo hộ.

“Mọi thứ đều tốt, nhưng đang dần gặp nhiều rủi ro hơn”. Đó là cách ông David Lipton, Phó giám đốc điều hành đầu tiên tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mô tả về tình trạng kinh tế toàn cầu trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
Quan sát của ông Lipton cũng phản ánh đúng trạng thái bao trùm trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) được tổ chức tại Washington (Mỹ) trong tuần qua.
Mặc dù IMF hồi tháng 1.2018 dự báo kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm 2019 sẽ đạt 3,9%, nhưng cơ quan này cũng cảnh báo nhiều điểm lo lắng. Cụ thể, mức nợ kỷ lục được nhấn mạnh như một mối đe dọa lớn đến sự ổn định tài chính. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế sẽ mờ dần khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, kích thích tài chính của Mỹ lắng xuống và đà giảm tốc của Trung Quốc vẫn tiếp tục.
Dưới đây là những gì các quan chức tài chính toàn cầu đã bàn luận tại Washington, theo tổng hợp từ Bloomberg.
Chiến tranh thương mại
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông đang xem xét chuyến đi đến Trung Quốc và “lạc quan một cách thận trọng” về khả năng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại, nhằm tránh việc hai nước đánh thuế lên hàng hóa của nhau.
Tuy nhiên, các quan chức tham dự hội nghị nói rằng cuộc chiến thương mại tiềm năng vẫn là một trong những lo lắng lớn nhất của họ. Ủy ban cố vấn tài chính của IMF hôm 21.4 đã gửi đi một thông cáo thể hiện tâm lý bi quan kể từ cuộc họp cuối cùng của nhóm này vào tháng 10.2017. Giám đốc điều hành IFM, bà Christine Lagarde, cảnh báo rằng niềm tin của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
“Tôi không biết xung đột thương mại sẽ thực sự diễn ra ở đâu. Tổng thống Donald Trump cứ liên tục thay đổi suy nghĩ của ông ấy”, Benjamin Diokno, Bộ trưởng Tài chính Philippines, nói.
Các ngân hàng trung ương
Các ngân hàng trung ương đã cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại sẽ khiến họ lo lắng về suy thoái kinh tế nhiều hơn là việc đánh thuế sẽ gây ra lạm phát. Theo chủ tịch ngân hàng trung ương Colombia, chiến tranh thương mại là điều “thảm khốc”, trong khi đó người đồng cấp Paraguay của ông nói rằng đó sẽ là “tin xấu cho mọi người”, còn giám đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản mô tả chủ nghĩa bảo hộ là điều “không mong muốn”.
Rủi ro tài chính
Trong khi căng thẳng thương mại trở thành chủ đề bàn luận chính tại hội nghị năm nay, IMF cũng không quên cảnh báo về các mối đe dọa tài chính. Quỹ cho biết rủi ro trong ổn định tài chính đã tăng lên trong sáu tháng qua, một sự thay đổi có thể khiến cho đường đi của thị trường tài chính trở nên gập ghềnh hơn trong những tháng tới.
Đặc biệt, IMF lo ngại rằng thị trường có thể đang đánh giá thấp mối đe dọa từ một cú sốc lạm phát ở Mỹ, nơi chính quyền ông Trump đang tăng cường kích thích tài chính khi tất cả mọi người thuộc mọi lực lượng lao động trong nền kinh tế đều có việc làm. Lạm phát tăng có thể sẽ buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến, động thái có khả năng gây ra hỗn loạn ở các thị trường mới nổi.
IMF cũng cảnh báo rằng nợ công và nợ tư nhân toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 164.000 tỉ USD. Lãi suất tăng đột biến sẽ thách thức khả năng trả nợ của những nước đi vay.
Lời ''nhắc khéo'' của ông Mnuchin
Khi một quan chức IMF nhận xét chính quyền ông Trump đang sai lầm trong giải quyết tình trạng mất cân đối kinh tế của thế giới, ông Mnuchin bất ngờ quở trách và thúc giục IMF thực hiện nhiệm vụ này. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, mất cân bằng thương mại toàn cầu hiện lớn hơn khoảng một phần ba so với những năm 1980, 1990 và không có dấu hiệu thu hẹp lại.
“IMF phải quyết liệt giải quyết vấn đề này và phải luôn chú ý khi các thành viên duy trì chính sách kinh tế vĩ mô, ngoại hối và các chính sách thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho cạnh tranh không lành mạnh, hoặc dẫn đến tăng trưởng không cân bằng”, ông Mnuchin nói.
Song, WB lại đang được hưởng lợi từ các bước đi kinh tế của Mỹ. Được biết, ngân hàng này vừa có thêm 13 tỉ USD vốn thanh toán sau khi chính quyền ông Trump ủng hộ gói cải cách hạn chế các khoản vay và tính thêm phí cho các nước có thu nhập cao hơn như Trung Quốc. Theo một thỏa thuận được công bố hôm 21.4, WB sẽ dần dần cắt giảm cho vay đối với Trung Quốc, một động thái mà Mỹ đang tìm kiếm.
Công nghệ
Các cuộc họp tại hội nghị năm nay cũng vật lộn với sự thống trị thị trường của những “đại gia” công nghệ như Amazon, Facebook và Google. Đây sẽ là năm mà các công ty công nghệ chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ cơ quan chức năng. Facebook mới đây đã phải đối mặt với khủng hoảng dữ liệu lớn chưa từng thấy trong lịch sử hoạt động, khi đã để công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica tiếp cận trái phép thông tin của hàng chục triệu người dùng Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016. Trong khi đó, Amazon liên tục bị Tổng thống Trump chỉ trích vì trả thuế không tương xứng.
“Quá nhiều quyền lực tập trung trong tay một vài người là không hữu ích”, bà Lagarde nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.