Các tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vẫn cạnh tranh, triệt tiêu nhau

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
06/05/2018 09:49 GMT+7

Ngày 5.5, tại TP.Huế, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã tổ chức hội nghị Liên kết phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm này.

Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Ban Kinh tế T.Ư; hơn 200 đại biểu là lãnh đạo 5 tỉnh, thành trong vùng, đại diện các bộ, ngành cùng các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) gồm 5 tỉnh, thành: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, có điều kiện thuận lợi để hình thành một hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc - Nam và là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, nối Lào - Myanmar - Campuchia với đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông và Thái Bình Dương. Hiện nay, Vùng KTTĐMT có 4 khu kinh tế ven biển, gồm: Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định) và 19 KCN được Thủ tướng cho phép thành lập (chiếm 5,8% số KCN cả nước và khoảng 45,2% số KCN của 14 tỉnh miền Trung).

Tính đến cuối năm 2016, các khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) trong vùng đã thu hút 1.280 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 500 ngàn tỉ đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Lê Trí Thanh phát biểu tham luận Ảnh: B.N.L

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, chủ tịch luân phiên của Hội đồng vùng cho rằng: "Tuy các KKT, KCN vùng KTTĐMT có tạo thêm năng lực sản xuất mới, nhưng chưa tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp, chưa đưa ra cơ chế phân công thu hút, phát triển hợp lý, tạo nên lợi thế tổng thể của toàn vùng. Ngược lại, đang có sự thu hút đầu tư theo hướng cạnh tranh tràn lan trên tất cả các lĩnh vực, tại tất cả các địa phương, làm triệt tiêu lợi thế lẫn nhau và làm lệch lạc định hướng khai thác tiềm năng sẵn có vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong vùng".

"Đã đến lúc chúng ta cùng nhìn lại mô hình liên kết phát triển vùng, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển các KKT, KCN để xem xét đề xuất một mô hình liên kết có tính tiên tiến, sáng tạo và liên kết bền vững, khắc phục tình trạng không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, làm cho Vùng KTTĐMT thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình”, ông Nguyễn Văn Cao kêu gọi.

Ông Trần Đình Thiên phát biểu tại hội nghị Ảnh: B.N.L
Viện trưởng Viện Kinh tế VN, TS Trần Đình Thiên, cho rằng đến bây giờ khái niệm như thế nào là trọng điểm miền Trung thì vẫn chưa được rõ. Vì vậy các KKT, KCN cơ bản là khu công nghiệp tổng hợp, tức là cái gì cũng có. "Tại sao miền Trung có nhiều lợi thế lại không có KCN chuyên sâu. Tại sao cạnh tranh nội bộ vùng rất khốc liệt, không liên kết mà cạnh tranh, cạnh trạnh theo hướng cùng xuống đáy, hạ giá của mình xuống để kéo đối tác vào. Tất cả đều vì lợi ích của mỗi địa phương. Lý do đầu tiên theo tôi chính là vấn đề cơ chế", ông Thiên thẳng thắn.

Phân tích nguyên nhân của cơ chế liên kết chưa hiệu quả, PGS-TS Bùi Quang Bình, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho rằng cơ chế liên kết hiện đang thiếu vắng một cơ quan quản lý điều chỉnh liên kết vùng có đủ tư cách pháp nhân, cơ chế và nguồn lực để thực hiện vai trò chức năng của mình trong quá trình phát triển các KCN và KKT; cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và phân bổ ngân sách từ T.Ư hiện nay như một rào cản gắn kết các địa phương trong liên kết với nhau; Hoạt động liên kết phát triển KCN và KKT của Vùng KTTĐMT mới chỉ trên chủ trương và định hướng chung thông qua các cam kết của lãnh đạo mà chưa đi vào cuộc sống. Cách thức quy hoạch và hoạch định chính sách phát triển KCN và KKT hiện nay dù vẫn có quy hoạch Vùng KTTĐMT nhưng thiếu sự phối hợp giữa các địa phương và thẩm quyền quy hoạch và hoạch định chính sách. Đã xuất hiện sự thiếu đồng thuận, những xung đột và mâu thuẫn giữa các địa phương mà rõ nhất trong phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, sau khi đưa ra các loại hình khu kinh tế trên thế giới, phân tích mô hình các KKT của VN, kết quả hoạt động của các KKT ở miền Trung, đánh giá các nhân tố quyết định đã đưa ra một mô hình tham khảo dựa trên công trình nghiên cứu của giáo sư David Walker (ĐH Connecticut và Liên minh quản lý vùng của Mỹ), trong đó hợp tác và liên kết vùng là một phổ rất rộng từ các hình thức không chính thức như thiết lập mạng lưới, đến đối tác và cuối cùng hình thành các thể chế vùng một cách chính thức.

 Trên cơ sở các ý kiến tham gia tại hội nghị, Hội đồng Vùng KTTĐMT tại hội nghị lần này sẽ hoàn chỉnh báo cáo đề xuất cơ chế, chính sách phát triển cho các KKT và KCN để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.