Cạnh tranh hàng không trong nước sẽ sôi động

05/03/2010 23:07 GMT+7

Hiện tại mới có 3 hãng hàng không khai thác thị trường nội địa, nhưng sự cạnh tranh đã bắt đầu sôi động. Mức độ cạnh tranh tăng dần khi Hãng hàng không Pacific Airlines tách ra khỏi Vietnam Airlines (VNA), và mạnh hơn khi có sự tham gia góp vốn của Tập đoàn Qantas, Pacific Airlines đổi tên thành Jetstar Pacific (JP).

Lãnh đạo VNA luôn khẳng định, VNA là một hãng hàng không truyền thống, chất lượng dịch vụ tốt, định vị thị trường của mình khác với JP. Vì thế, JP có bán vé giá thấp thế nào đi nữa, VNA cũng không giảm giá, thậm chí còn tăng giá trần đối với vé phổ thông.

Đại diện của JP cho biết: "Trong cạnh tranh, khi tôi đưa ra một chương trình khuyến mãi, đương nhiên doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoạt động, không thể ngồi yên được". Vị này làm rõ: "Giống như trước kia, chỉ mạng di động Vinaphone và MobiFone thì rất lâu, khách hàng mới nhận được một chương trình chăm sóc, nhưng khi có thêm Vietnam Mobile, Viettel, các chương trình khuyến mãi được đưa ra liên tục". Và "hàng không cũng thế thôi", đại diện JP nhấn mạnh.

Theo dõi kỹ, từ khi JP hoạt động theo mô hình hãng hàng không giá rẻ, VNA rất linh hoạt đưa ra các mức giá khác nhau trên cùng một đường bay, chẳng hạn như đường bay TP.HCM - Hà Nội có tới 14 mức giá khác nhau, giá cao nhất lên tới 1,9 triệu đồng/vé nhưng giá thấp nhất chỉ có hơn 800.000 đồng/vé. Chọn cách này, doanh nghiệp vừa giữ được hình ảnh, vừa giữ vững thị phần, vì hành khách có thêm nhiều cơ hội mua vé giá thấp. Không những thế, gần đây VNA còn triển khai nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngoài VNA, JP, VASCO, hiện tại còn có Mekong Air, Indochina Air, VietJet Air được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Mới đây, Chính phủ đồng ý chủ trương cho thành lập thêm Hãng hàng không Viet Air. Các hãng đã có giấy phép đang gấp rút lên kế hoạch bay. Trong kế hoạch của mình, VietJet Air, Mekong Air… đều lựa chọn các đường bay có nhiều khách như Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Nha Trang, TP.HCM/Hà Nội - Đà Nẵng để thực hiện những chuyến bay đầu tiên.

VietJet Air vừa được hãng Air Asia "tiếp sức" bằng cách tham gia đầu tư góp vốn với tỷ lệ 30%. Xu hướng kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm và tài chính góp vốn liên doanh đối với những hãng còn lại là rất lớn. Theo quy định của Chính phủ, một nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không quá 30% trên tổng giá trị đầu tư của hãng hàng không. Vì thế, "mức độ cạnh tranh giữa các hãng trong việc khai thác đường bay nội địa sẽ ngày càng khốc liệt", ông Võ Huy Cường - Trưởng ban Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam nhận định.

 Minh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.