Bùng nổ ví điện tử
|
Chính vì tiện ích của các ví mà số lượng người dùng đang tăng theo nhanh. Số lượng người dùng ví MoMo hiện nay lên 10 triệu người, ví Việt 2,3 triệu người… Trên thị trường hiện nay có khoảng 20 ví điện tử và phổ biến như MoMo, Moca, ZaloPay, Bankplus, Ví Việt, VTC Pay, WePay, Mobivi, Vimo... và các đơn vị vẫn đang chạy đua để thu hút khách hàng mở ví. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm, các ví điện tử liên tục tung ra thị trường những chương trình giảm giá, tiện ích nên thu hút khá đông người dùng sử dụng.
Chẳng hạn, khách hàng tải Ví MoMo thành công sẽ nhận được combo quà tặng trị giá 500.000 đồng cùng các quà tặng như mua vé xem phim từ 9.000 đồng; thanh toán các hóa đơn sẽ được các phần quà là voucher mua sắm, ăn uống, giải trí, thanh toán. Ví Việt của LienVietPostBank hiện đang triển khai chương trình ưu đãi miễn phí quản lý tài khoản tiền đồng, tặng 30.000 đồng vào tài khoản, giảm 50% phí nộp tiền mặt…
Để sử dụng các ví điện tử, người dùng mở tài khoản ngân hàng (NH) và kích hoạt tính năng NH điện tử (Internet Banking) hoặc thẻ tín dụng. Sau đó, khách hàng chuyển tiền từ tài khoản NH vào ví điện tử với số tiền nhỏ dùng để chi tiêu, thanh toán hàng hóa, dịch vụ.
Thẻ ngân hàng gặp đối thủ mạnh
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 7, VN có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, còn Thái Lan là 59,7%. Dù vậy, thanh toán tiền mặt đã có những bước giảm đáng kể.
Đại diện Công ty cổ phần thanh toán quốc gia VN (NAPAS) cho biết mức tăng trưởng không dùng tiền mặt qua NAPAS và các NH trong năm qua tăng mạnh. Hệ thống NAPAS đã xử lý hơn 1,3 triệu giao dịch/ngày, tăng 1,75 lần so với năm ngoái, tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống trong năm 2018 đạt 3.500 tỉ đồng, tăng trưởng 166% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy thói quen của người tiêu dùng trong thanh toán đang dần thay đổi theo hướng tích cực.
Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn Solidiance, thị trường công nghệ tài chính của VN năm 2017 đã đạt 4,4 tỉ USD và dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt được 7,8 tỉ USD. Nghiên cứu của Solidiance đã đề cập đến nhiều yếu tố khiến thị trường phát triển như tỷ lệ sử dụng internet của người dân, tỷ lệ sử dụng smartphone tại các thành phố lớn, sự phổ biến của ví điện tử, thu nhập của người dân đang tăng và mức tăng trưởng của thương mại điện tử.
Sự bùng nổ của các loại ví điện tử đang khiến nhiều NH chật vật hơn trong việc phát triển các loại thẻ. Ông Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn Hội đồng quản trị - NH TMCP Quốc Dân (NCB), nhận xét ví điện tử đang là đối thủ cạnh tranh với thẻ NH và sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới bởi sự tiện ích mà nó mang lại cho người dùng. Ngoài các chương trình khuyến mãi, người dùng ví điện tử sẽ cảm thấy an toàn hơn vì số tiền bỏ vào ví thường thấp, nên trong trường hợp bị mất tiền thì phần thiệt hại cũng ít hơn. Ví điện tử là một app được tải về điện thoại thông minh nên người dùng tiện lợi trong sử dụng. Việc phát triển các điểm chấp nhận ví điện tử sẽ thuận lợi hơn việc lắp đặt máy chấp nhận thẻ của NH rất nhiều nên việc mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán sẽ nhanh hơn, rộng hơn.
Tuy nhiên ông Hiếu cho rằng ví không thể thay thế thẻ NH. Thẻ NH tồn tại từ lâu và trở nên quen thuộc với khách hàng, liên kết trực tiếp với tài khoản NH nên có những thuận lợi cho khách hàng trong quá trình sử dụng, đặc biệt khi khách hàng đi nước ngoài, giao dịch số tiền lớn. Trong khi đó, nhiều ví điện tử không thể sử dụng ở nước ngoài, không liên kết trực tiếp với tài khoản NH, khách hàng muốn dùng phải chuyển tiền từ tài khoản thẻ hay tài khoản NH vào ví mới có thể sử dụng. Điều này khá bất lợi cho người dùng. Điểm hạn chế của ví điện tử hiện nay là các đơn vị chưa thể liên kết với nhau nên người dùng phải tải các app khác nhau về điện thoại để sử dụng.
Bình luận