Dự lễ khai trương đường băng 25R/07L vừa hoàn thiện tại sân bay Tân Sơn Nhất, diễn ra chiều 10.1 vừa qua tại TP.HCM, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết công tác hoàn thiện báo cáo khả thi của dự án xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất cơ bản đã xong. Chủ đầu tư đang hoàn chỉnh hồ sơ, sau đó tổ chức công tác thiết kế kỹ thuật, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để khởi công dự án trong khoảng quý 3, quý 4 năm nay.
Loạt dự án trọng điểm trễ hẹn
Thông tin nhà ga T3 chắc chắn được khởi công trong năm nay, cùng hệ thống đường băng, sân đỗ mới được nâng cấp, mở rộng mang lại nhiều kỳ vọng chấm dứt cảnh hành khách chờ phía dưới, máy bay xếp hàng, bay vòng trên trời tại những giai đoạn cao điểm ở sân bay Tân Sơn Nhất. Thế nhưng, vấn đề được quan tâm nhất chính là hệ thống giao thông kết nối bên ngoài sân bay.
Thực tế hiện nay, từ sân bay hướng về phía nam nối ra các đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ... kẹt xe đang là vấn nạn. Loạt đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, đường Trường Sơn từ khu vực Gò Vấp qua Lăng Cha Cả thường xuyên ùn tắc, cản trở khách ra vào sân bay. Không chỉ các tuyến đường bọc ngoài cảng mà hầu hết trục đường xương sống kết nối từ trung tâm TP ra tới sân bay như đường Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng Tám... đều quá tải. Đường từ trung tâm TP đến cảng hàng không quốc tế tấp nập nhất Việt Nam - đầu mối trung chuyển của TP.HCM cũng như toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam - ngày càng gian nan.
Đầu năm 2020, tại buổi họp báo định kỳ do Sở GTVT TP.HCM tổ chức, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (BQLDA) thông tin được giao triển khai 5 dự án nhằm xóa, giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất gồm 4 dự án mở rộng các tuyến đường: Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa, Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý và dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với Cộng Hòa.
Trong đó, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ đường Cộng Hòa tới cổng gác sân bay) và mở rộng đường Cộng Hòa (đoạn nút thắt cổ chai ngay cầu vượt thép vào sân bay) được khẳng định chắc chắn sẽ triển khai lần lượt vào quý 1, quý 2/2020. Song song, hai dự án mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý đang trong giai đoạn thiết kế, dự kiến hoàn thành phần giải phóng mặt bằng (GPMB) trong năm 2020 để có thể khởi công ngay 2021. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có dự án nào được động thổ.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc BQLDA, cho biết dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và Cộng Hòa đã được UBND quận trình UBND TP phê duyệt đơn giá đền bù GPMB từ tháng 12.2019. Tuy nhiên, đầu năm 2020 lại có thay đổi đơn giá mới nên các đơn vị phải rà soát, cập nhật lại, đến cuối năm 2020 mới hoàn thành thủ tục. Việc mở rộng đường Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý hiện cũng đang vướng phần GPMB với khó khăn tương tự về phương án giá mới.
“Về chủ trương, đây đều là các dự án được xác định cấp bách, quan trọng và đã được phê duyệt từ lâu. Vướng mắc lớn nhất là GPMB. BQLDA đang làm việc sát sao với các quận. UBND Q.Tân Bình và Tân Phú dự kiến trong năm nay sẽ hoàn tất công tác bồi thường, giao mặt bằng sạch cho Ban khởi công cả 3 dự án quý 4 năm nay”, vị này thông tin.
Phải có đường chuyên dụng
Nhấn mạnh các dự án trên không thể tiếp tục lùi đích được nữa vì làm trễ sẽ không theo kịp tiến độ của sân bay cũng như sự phát triển của TP, song KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá việc mở rộng đường, xây thêm cầu vượt các khu vực này còn không đủ đáp ứng nhu cầu giao thông hiện hữu của TP, chưa nói đến “kham” thêm sân bay sau này. Đây đều là những dự án đã nằm trong quy hoạch của TP.HCM từ cách đây hơn 1 thập kỷ, trước khi có quyết định của Chính phủ về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Việc thêm nhà ga T3, dồn toàn bộ các nhà ga về phía nam, lượng hành khách tương ứng với phương tiện tăng lên gấp 2 - 3 lần chắc chắn khiến khu vực cửa ngõ phía này kẹt cứng.
“Cần thiết làm thêm cửa đón phía bắc, có thể làm đường ngầm, đường trên cao... Bên cạnh đó, phải hoàn thiện hệ thống đường vành đai, làm đường kết nối với QL1, đường thoát phía nam, đường cao tốc... Nếu không tìm cách điều phối giao thông về cả phía bắc thì có mở rộng đường thêm bao nhiêu, ùn cũng sẽ hoàn tắc”, vị này cảnh báo.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, nhận định nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc khu vực sân bay là do hệ thống giao thông ra vào sân bay đang chèn vào mạng lưới giao thông đô thị. Để giải quyết tận gốc, phải tách rời mạng lưới giao thông kết nối sân bay ra khỏi giao thông quá cảnh hiện hữu. Phương án khả thi nhất hiện nay là kéo dài tuyến đường trên cao số 1 (TP đang xúc
tiến triển khai) thêm khoảng 500 m, kết nối trực tiếp với nhà ga T1 và T2 của sân bay. Sau khi tuyến số 2 hoàn thành, cùng kết nối với tuyến số 1, đồng thời kết nối với sân bay về hướng đông, tạo thành một mạng lưới đường trên cao chuyên dụng cho sân bay. Những chuyến đi dài từ phía đông qua phía tây sẽ đi đường trên cao thay vì phải qua đường Hoàng Văn Thụ, giúp giảm lưu lượng xe trên đường này cùng đường Trường Sơn, Hồng Hà, góp phần giảm tải khu vực đường vào sân bay.
“Yêu cầu bức thiết đối với sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay là phải có đường chuyên dụng vì hành khách đi máy bay cần đến đúng giờ. Đồng thời, để tăng sức cạnh tranh với các sân bay trong nước cũng như quốc tế, giao thông kết nối vào sân bay phải tin cậy để đảm bảo hoạt động trong sân bay ổn định”, ông Tuấn nói.
Một trong những dự án quan trọng được kỳ vọng giảm tải tốt nhất giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa hiện cũng đang chờ ý kiến Bộ Quốc phòng về việc thống nhất bàn giao cho TP phần diện tích đất khoảng 1.122 m2 nằm ngoài ranh dự án xây dựng tuyến đường để tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn cũng như tái định cư tại chỗ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
|
Bình luận (0)