Cầu Thủ Thiêm 2 kêu cứu vì 'trùm mền' quá lâu

01/04/2021 20:43 GMT+7

Đó là nội dung vừa được Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (chủ đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2) báo cáo UBND TP.HCM

Không tính toán tồn tại ở trạng thái chưa hoàn thành kéo dài

Theo văn bản của Liên doanh nhà thầu thi công dự án, nhịp cầu chính đã lắp đặt 11/17 đốt dầm thép và 36/56 bó cáp dây văng, với thiết kế cầu chỉ 1 trụ tháp (lắp đặt bất đối xứng). Cầu dây văng không được tính toán để tồn tại ở trạng thái chưa hoàn thành trong khoảng thời gian dài chưa xác định. Chiều dài công xôn của nhịp chính chưa hoàn thành có thể gây ra các chuyển động vặn xoay, trong một số trường hợp nhất định có thể tạo ra ứng suất không mong muốn trong kết cấu nhịp và trụ.
Bên cạnh đó, các dây văng dài hơn 80m hiện nay chưa được lắp đặt các thiết bị giảm chấn có thể chịu hiệu ứng dao động, điều này có thể trầm trọng hơn do chịu chuyển động không mong muốn ở trên. Trong quá trình tạm dừng thi công đến nay công trình vẫn được quan trắc thường xuyên, kết quả các chỉ số quan trắc hiện trong phạm vi cho phép, nhưng việc tiếp tục dừng thi công cùng với thời tiết vào mùa mưa bão sắp tới, việc đảm bảo ổn định các nhịp, dây văng đã lắp đặt sẽ khó khăn.
Hệ dầm thép được gia công tại nhà máy tại Hải Phòng đã vận chuyển vào Vũng Tàu và tiến hành tổ hợp xong. Toàn bộ hệ dầm (mỗi đốt nặng > 90 tấn), đặt trên hệ gối kê, với điều kiện nền của kho bãi không được tính toán cho việc lưu giữ dầm lâu dài. Việc nền bãi không bằng phẳng có thể tạo ra biến dạng kết cấu thép do trọng lượng bản thân và như vậy sẽ không thể sử dụng được cho công trình.

Đến 14.5 không được thi công sẽ giải thể công trường

Theo chủ đầu tư, toàn bộ cáp dây văng đã được nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng 2 theo đúng tiến độ. Một số bó cáp đã được lắp đặt nhưng chưa hoàn chỉnh vì vậy chưa thể bơm sáp vào các bó cáp, theo thời gian các bó cáp sẽ bị ảnh hưởng trong môi trường thiên nhiên, các bó cáp chưa được lắp đặt sẽ chịu hiện tượng chung ứng suất và theo quy định vật liệu này sau 1,5 năm sẽ phải tiến hành thí nghiệm lại trước khi sử dụng cho công trình.
Cùng với đó, cầu bắc qua tuyến đường sông có mật độ giao thông thủy lớn, đến nay công tác đảm bảo giao thông thủy vẫn được duy trì nhưng dự án vẫn có thể xảy ra nguy cơ về các sự cố giao thông hàng hải, tạo ra những thiệt hại đáng kể và khó lường.
Trước những rủi ro trên, Liên danh nhà thầu kiến nghị đến 15.4, nếu công trình không được thi công trở lại sẽ giải thể công trường, nhất là thiết bị đặc chủng để thi công là giàn nâng sẽ chuyển sang thi công công trình tại Singapore, thiết bị thi công dây văng sẽ chuyển sang thi công công trình tại Nam Phi. Việc di chuyển 2 thiết bị trên ra khỏi công trình sẽ gây bất lợi cho dự án (giàn nâng đang là tải đối trọng để cầu đảm bảo cân bằng) . Nếu huy động trở lại sẽ mất nhiều thời gian (khoảng 6 tháng). Liên danh nhà thầu sẽ bàn giao cây cầu ở trạng thái hiện tại cho Công ty Đại Quang Minh và sẽ không chịu trách nhiệm bảo hành và các rủi ro có thể phát sinh cho dự án.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 (bắc qua sông Sài Gòn nối Q.1 và Q.2) là 1 trong những dự án công trình giao thông trọng điểm và là điểm nhấn kiến trúc khu trung tâm của TP.HCM. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày 30.4.2020. Thế nhưng, sau hơn 5 năm kể từ ngày động thổ, công trình cầu Thủ Thiêm 2 vẫn giậm chân tại chỗ và “đứng hình” giữa dòng sông khi đã hoàn thành tới 70% khối lượng thi công.
Do vướng mặt bằng phía Q.1, nhịp cuối cùng của cầu Thủ Thiêm 2 không thể thi công nối từ Q.1 sang Q.2. Đồng thời, dự án còn gặp khó khăn trong xác nhận khối lượng và giá trị thực hiện để thanh toán cho chủ đầu tư.
Đại Quang Minh tiếp tục đề nghị UBND TP có giải pháp về công tác pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng để tiếp tục triển 2 khai thi công theo yêu cầu của nhà thầu cho các hạng mục tháp cầu, lắp đặt các đốt dầm đến trụ S1 và căng các bó cáp dây văng còn lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.