Nhiều nước Đông Nam Á quyết liệt
Ngày 9.7 vừa qua, chính quyền Indonesia tuyên bố sẽ trả 8 container rác thải (210 tấn) chứa các chất độc hại về cho Úc. Theo hải quan tại thành phố cảng Surabaya (Indonesia), có 3 công ty nhập số rác thải này. Đầu tháng 7, Indonesia cũng công bố trả rác thải về cho Pháp và các quốc gia khác. Đây là động thái mới nhất trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á có xu hướng phản đối mạnh mẽ việc bị tiếp nhận rác thải từ các quốc gia phát triển.
tin liên quan
Dọn phế liệu tồn tại cảng chậm vì chưa có phương án xử lýVN cảnh báo, siết nhập khẩu rác phế liệu khá sớm nhưng đến nay vẫn chưa có động thái yêu cầu “nhà giàu” nào nhận lại rác của họ như cách các nước kể trên đã và đang làm. Thậm chí, việc xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng vẫn vô cùng chậm trễ. Số lượng container phế liệu được hãng tàu tái xuất rất ít, đếm trên đầu ngón tay.
Buộc tái xuất khó khả thi
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tính giữa tháng 2 năm nay, các cảng biển trên cả nước tồn hơn 23.000 container phế liệu trong đó, có 9.825 container đã được lưu giữ quá 90 ngày. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, các cảng biển hiện đang lưu giữ 13.737 container phế liệu tồn đọng, trong đó gần 8.600 container phế liệu tồn quá 90 ngày và đến nay, cơ quan hải quan chưa phát hiện trường hợp doanh nghiệp nhập rác nhưng khai báo là phế liệu xảy ra khá phổ biến như năm ngoái.
Một lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM nói thẳng, với phế liệu không đạt chuẩn thì bán đấu giá không ai mua mà buộc các chủ tàu tái xuất rất khó khả thi. Vấn đề là VN chưa bao giờ có chính sách chở rác đi trả lại nơi xuất phát mà đang lên kế hoạch tiêu hủy sau khi công tác phân loại, giám định kết thúc. “Việc giám định phân loại cũng khó khăn bởi mở vài container thì được, chứ mở cả mấy trăm container thì cảng cũng không có chỗ để mở. Trong khi chỉ đạo cụ thể với lượng rác này từ cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn chưa đâu vào đâu”, vị này cho hay.
PGS-TS Nguyễn Văn Hiện, chuyên gia môi trường, cho rằng việc một số nhà nhập khẩu nhận tiền của các nước phát triển, chở rác về VN để đổ chưa từng được đặt ra trong khi các nước xem xét việc này rất gay gắt. Bởi việc xử lý rác thải độc hại chi phí cao hơn rất nhiều so với việc chở đi đổ. PGS-TS Nguyễn Văn Hiện nói: “Tôi thấy các nước có những phát biểu, đáp trả rất cứng rắn, kiên quyết với rác thải nhựa tầm quốc tế. VN tuy triển khai ngăn chặn sớm hơn người ta nhưng nay chỉ mới lên tiếng mang tầm giải quyết nội bộ với nhau, kiểu đóng cửa bảo nhau. Làm như vậy, sẽ thiệt đơn thiệt kép. Đó là phải chấp nhận tốn tiền để tiêu hủy. Nếu không, rác thải cứ xếp đống để đó, về lâu dài là vấn đề lớn về môi trường mà chính con cháu chúng ta lãnh đủ”.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM), nhắc đến Công ước Basel về cấm nhập chất thải nhựa nhằm giảm thiểu chất thải nguy hại từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển hơn và cho rằng, công ước đã được thông qua từ năm 1989, tuy nhiên các nước phát triển lại phản đối do lo ngại ảnh hưởng đến kinh tế của họ. Thế nên, công ước chỉ dừng lại giám sát hoạt động vận chuyển chứ chưa thể ngăn chặn việc vận chuyển phế liệu nguy hiểm. VN tham gia Công ước Basel từ ngày 13.3.1995. Theo các chuyên gia, theo luật Hải quan 2014 và bộ luật Hàng hải 2015, cơ quan hải quan sẽ có thông báo yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm vận chuyển lô hàng tồn đọng là chất thải nguy hại hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ VN trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo lô hàng phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Tuy nhiên, việc buộc hãng tàu tái xuất đến nay gần như chưa thực hiện được, trong khi công tác phân loại kiểm kê kéo dài và không biết khi nào mới kết thúc.
Bình luận (0)