Chàng kỹ sư Nhật bị hoa Đà Lạt mê hoặc

25/01/2018 06:07 GMT+7

Những năm gần đây, TP.Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến lập trang trại canh tác nông nghiệp công nghệ cao. Takahiro Nunome, chàng kỹ sư đến từ Nhật Bản là một minh chứng.

Trong dãy nhà kính trồng hoa cẩm chướng, Takahiro Nunome (35 tuổi) tận tình hướng dẫn các công nhân tỉa nhánh hoa, ngắt bớt nụ. Chàng kỹ sư nông nghiệp chân đất này được mọi người ở trang trại gọi một cách thân thương là Taka. Taka thổ lộ: “Năm 2013, lần đầu đến Đà Lạt, tôi đã bị hoa Đà Lạt mê hoặc, nhưng đến năm 2016 tôi mới chính thức được ở lại Đà Lạt trồng hoa”. Taka hiện là Giám đốc sản xuất của Công ty Pan Saladbowl, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý trang trại hoa ở Đa Nhim.
Hòa đồng cùng công nhân Việt
Điều kiện tự nhiên để canh tác hoa ở Đà Lạt là điều không phải bàn, nhưng tôi nghĩ cần phải tổ chức lại sản xuất để chất lượng hoa tốt hơn, đồng đều hơn và có số lượng sản phẩm đủ đáp ứng nhu cầu thị trường
Takahiro Nunome (Nhật Bản)
Từ giữa năm 2016, Taka chấp nhận rời bỏ các tiện nghi của đất nước "mặt trời mọc", đến xã Đa Nhim (H.Lạc Dương), cách TP.Đà Lạt hơn 30 km để quản lý và điều hành trang trại trồng hoa công nghệ cao. Mỗi buổi sáng, Taka mang ủng, trực tiếp ra vườn hướng dẫn công nhân cách trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại hoa. Dù được bố trí nơi ở đầy đủ tiện nghi, nhưng Taka lại mang ba lô, đem theo chăn màn đến lán trại dựng bằng tôn, sát cạnh xưởng đóng gói để sống chung với công nhân. Taka cho biết: “Mình phải sống hòa đồng, gần gũi với công nhân để cùng họ xây dựng trang trại lớn mạnh, giúp họ ý thức làm chủ trang trại. Với mình, dù có đầy đủ máy móc, phương tiện chăng nữa thì con người là yếu tố quan trọng nhất mang đến thành công”.
Theo chị Hà Thị Thu Thùy, thông dịch, trợ lý cho Taka giám sát sản xuất, nhờ Taka vui vẻ và tận tình hướng dẫn nên gần 40 công nhân, trong đó hơn nửa là đồng bào dân tộc K’ Ho ngụ xã Đa Nhim, đều nắm vững kỹ thuật và các yêu cầu sản xuất hoa đạt chất lượng xuất khẩu qua Nhật Bản.
Gần 2 năm qua, Taka đã mang 70 giống hoa cẩm chướng và 50 giống hoa cúc từ các nước Hà Lan, Tây Ban Nha, Colombia, Nhật Bản sang Đà Lạt trồng thử nghiệm để chọn những giống phù hợp nhất sản xuất đại trà. Hiện nay, trang trại đang canh tác hơn 20 giống hoa với nhiều màu sắc rực rỡ. Taka cho biết mỗi tháng trang trại hoa Đa Nhim sản xuất gần 200.000 cành hoa cẩm chướng và hoa cúc, trong đó 2/3 được xuất khẩu qua Nhật, số còn lại tiêu thụ trong nước.
Mong muốn hoa Đà Lạt vươn xa hơn
Theo Taka, Đà Lạt và Lạc Dương được thiên nhiên ưu đãi khí hậu quá tuyệt vời, có thể trồng rau, hoa quanh năm. Ở Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt, thời tiết khắc nghiệt, muốn canh tác rau, hoa phải đầu tư nhiều trang thiết bị nên tính ra tốn chi phí gấp 10 lần canh tác hoa ở Đà Lạt. Cũng theo Taka, hoa Đà Lạt được người Nhật rất ưa chuộng.
Thế nhưng, hiện nay các doanh nghiệp và nông dân Đà Lạt xuất khẩu hoa qua Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn, có cách nào tháo gỡ để giúp hoa Đà Lạt vươn xa, vươn cao? Taka chia sẻ: “Ở Malaysia có vùng sản xuất hoa khí hậu và điều kiện tự nhiên tương tự Đà Lạt, họ trồng hoa chủ yếu để xuất khẩu qua Nhật Bản. Điều kiện tự nhiên để canh tác hoa ở Đà Lạt là điều không phải bàn, nhưng tôi nghĩ cần phải tổ chức lại sản xuất để chất lượng hoa tốt hơn, đồng đều hơn và có số lượng sản phẩm đủ đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Taka hướng dẫn công nhân chăm sóc hoa cẩm chướng Ảnh: Lâm Viên
Không chỉ quản lý trang trại hoa ở Đa Nhim, Taka còn được Công ty Pan Saladbowl giao xây dựng trang trại nhà kính hiện đại ở xã Đạ Dơn, H.Lâm Hà để sản xuất rau, hoa. Do đó, bên cạnh việc canh tác hoa cúc và cẩm chướng, Taka còn khảo nghiệm một số giống rau xà lách, củ cải trắng…để sắp tới mở rộng diện tích canh tác và đa dạng sản phẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.