Chật vật 'thay áo' 237 chung cư cũ

21/10/2017 07:58 GMT+7

TP.HCM xác định trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 là sửa chữa, cải tạo, xây mới khoảng 237 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 để chỉnh trang đô thị.

100% hộ dân đồng ý mới được tháo dỡ
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong số 237 chung cư trên thì chỉ 14 chung cư có kết quả thẩm định loại D (cấp độ nguy hiểm và hư hỏng nặng, phải di dời, tháo dỡ và xây mới). Hơn 200 chung cư còn lại được xếp vào loại B, C, không tháo dỡ nhưng phải cải tạo, sửa chữa lại các hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp.
Dù không thuộc diện phải phá dỡ hay xây mới, nhưng do tồn tại khoảng 50 năm, “dung nhan” các chung cư này cũng đã rất nhếch nhác. Vì thế, nhiều quận, huyện muốn phá dỡ xây mới để làm cho diện mạo đô thị đẹp hơn.


Theo Sở Xây dựng TP.HCM, để thuyết phục được người dân sửa chữa chung cư cũ thì các quận cần phải có kế hoạch rõ ràng và chi tiết. Đồng thời công khai toàn bộ những hạng mục nào cần sửa chữa, phương án ra sao, kinh phí bao nhiêu để người dân quyết định. Càng rõ ràng thì người dân càng dễ đồng thuận, người dân thấy cần thiết sửa và tốt cho họ thì họ sẽ tham gia.


Tuy nhiên, theo quy định của luật Nhà ở, các chung cư hư hỏng không thuộc cấp D, muốn xây dựng mới thì phải được sự đồng ý của 100% chủ sở hữu. Điều này đang là thách thức lớn cho các địa phương.
Tại Q.3, có 48 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, nhưng chỉ một chung cư có kết quả thẩm định loại D, còn lại là chung cư cũ cấp B, C. Ông Đỗ Minh Long, Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.3, cho biết quận đang có ý tưởng chỉnh trang cùng một lúc 9 chung cư cũ có diện tích nhỏ.
Địa phương này cũng đã thỏa thuận với một doanh nghiệp đang triển khai một dự án chung cư nhà ở và thương mại để dành một phần quỹ nhà để tái định cư cho cư dân tại 9 chung cư cũ nêu trên. Tuy nhiên, việc di dời, phá dỡ 9 chung cư cũ ấy không đơn giản vì phải được sự đồng ý của 100% chủ sở hữu.
“Luật ghi 100% hộ dân đồng ý là rất khó vì thực tế không bao giờ có 100% đồng tình, tỷ lệ này quá lý tưởng. Với một dự án, nếu đạt tỷ lệ trên 70% là đã tốt lắm rồi”, ông Long cho hay.
Số lượng chung cư cũ của Q.1 là 86, trong đó có 2 chung cư cấp D là 128 Hai Bà Trưng và 155 - 157 Phạm Ngũ Lão. Tại buổi làm việc với Sở Xây dựng, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết trong số chung cư cũ còn lại, Q.1 cũng đã có kế hoạch xây mới thay vì sửa chữa các chung cư cấp B, C.
Tuy nhiên, cũng vì “dính” tỷ lệ 100% hộ dân đồng ý mới được phá dỡ, nên quận phải chuyển sang hình thức thu hồi đất để thực hiện dự án chỉnh trang đô thị theo quy định tại luật Đất đai. Làm theo cách này thì không phải cần 100% hộ dân đồng ý, nhưng lại không được hưởng các chỉ tiêu ưu đãi về quy hoạch, hệ số sử dụng đất... Các quận khác như 5, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh... đều gặp phải vướng mắc tương tự.
Ì ạch cải tạo, sửa chữa
Đối với các chung cư cấp B, C, không phải địa phương nào cũng có khả năng và nhu cầu xây mới. Phần lớn là chung cư thuộc loại này thì đều phải sửa chữa, gia cố, cải tạo. Thế nhưng, theo báo cáo của Sở Xây dựng thì đến nay, số quận lập và phê duyệt kế hoạch cải tạo, sửa chữa mới chỉ đếm đầu ngón tay. Hai trong số các quận đã tiến hành sửa chữa chung cư cũ là Q.10 và Q.Tân Bình.
Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Phó chủ tịch UBND Q.10, cho biết địa phương này đang tiến hành sửa 8/25 chung cư cũ trên địa bàn. Đó là khu A, B, chung cư Lý Thường Kiệt và 6 lô chung cư Ấn Quang. “Q10 đã được giao vốn để thực hiện kiểm định, sửa chữa và hiện đã giao cho Công ty dịch vụ công ích quận hoàn tất việc lập hồ sơ thiết kế, sửa chữa cải tạo các hạng mục hư hỏng, xuống cấp của 8 lô chung cư nêu trên và sẽ hoàn thành trong năm 2017”, bà Nga nói và khẳng định năm 2018 sẽ hoàn tất việc sửa chữa 17 chung cư còn lại.
Tuy nhiên, đó là quận hiếm hoi bắt tay vào sửa chữa, đa số các quận hiện vẫn đang loay hoay với việc lập kế hoạch. Đại diện Q.3 cho biết địa phương này vẫn chưa tổ chức được hội nghị nhà chung cư để lấy ý kiến người dân. Theo ông Đỗ Minh Long, quận chỉ lên phương án cải tạo, dự toán kinh phí, các hạng mục sửa chữa để cho cư dân trong chung cư lựa chọn, quyết định. Nhưng hiện nay công tác này vẫn chưa được tiến hành. Một trong những lý do, theo ông Long, là chưa biết lấy kinh phí ở đâu để thuê đơn vị tư vấn về phương án sửa chữa.
Lãnh đạo Q.Bình Thạnh cũng cho biết theo luật Nhà ở cũ, việc sửa chữa chung cư cũ nhà nước bỏ ra 30% kinh phí nhưng hiện nay theo luật mới thì người dân sẽ phải bỏ tiền ra sửa hoàn toàn. Bình Thạnh đề xuất, nhà nước cần bỏ ra một phần kinh phí để làm mồi, trên cơ sở đó người dân sẽ cùng đóng góp thì công tác sửa chữa sẽ hiệu quả hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.