Chủ động hội nhập

14/01/2016 05:58 GMT+7

Đó là khuyến nghị của các chuyên gia tại hội thảo “Kinh tế xã hội VN năm 2015, cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập mới” do Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế T.Ư tổ chức.

Đó là khuyến nghị của các chuyên gia tại hội thảo “Kinh tế xã hội VN năm 2015, cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập mới” do Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế T.Ư tổ chức.

Năm 2016, VN sẽ tiến vào các sân chơi như TPP, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)... TS Nguyễn Mạnh Hùng (Ban Kinh tế T.Ư) nhận xét, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, việc tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt là TPP sẽ giúp VN tăng trưởng thêm 1 - 2% năm; GDP tăng thêm 23,5 tỉ USD vào năm 2020 và 33,5 tỉ USD vào năm 2025; xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỉ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân), GDP năm nay đạt 6,68% vượt chỉ tiêu nhưng mới tăng về lượng, còn chất không cao. Điển hình như năng suất lao động đang ở mức tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực. VN chỉ hơn một nửa so với Philippines, bằng 1⁄4 so với Trung Quốc. Đặc biệt, cơ cấu thị trường xuất khẩu trong những năm gần đây hầu như không có đột biến. Năm 2015, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN, chiếm 28,8% tổng kim ngạch nhập khẩu, tiếp đến là Hàn Quốc (chiếm 16,7%). Trong đó nhập khẩu chủ yếu từ 2 thị trường này là máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; đặc biệt là điện thoại các loại, điện tử, máy tính, linh kiện...
TS Đinh Lê Hải Hà (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, nếu không chủ động, DN nội sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này ngày càng mạnh. Hiện tại, các DN bán lẻ nội địa còn thua kém nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều mặt: hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ tuy có nhiều cải tiến và được nâng cấp nhưng vẫn thiếu tính chuyên nghiệp; giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng. Do đó, để đứng vững khi hội nhập, các DN phải xem lại mô hình kinh doanh, đồng thời chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn, nâng cao năng lực để sẵn sàng cạnh tranh.
TS Phan Thế Công (Đại học Thương mại) khuyến nghị, để tận dụng tốt cơ hội mở ra từ TPP, các DN phải chủ động tiếp cận thông tin, chủ động tiếp cận ngành hàng và hướng ngành hàng của mình vào những thị trường được ưu đãi thuế quan. DN cũng cần chủ động đầu tư và đổi mới trang thiết bị theo chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm không thể cạnh tranh với các nước khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.