Chủ rừng thành chủ nợ

24/03/2012 03:21 GMT+7

Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai, người dân có ý thức bảo vệ rừng hơn, tình trạng phá rừng giảm hẳn. Tuy nhiên, hiện tượng nợ "tiền rừng xanh" đang cản trở sự phát triển của chương trình này.

Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai, người dân có ý thức bảo vệ rừng hơn, tình trạng phá rừng giảm hẳn. Tuy nhiên, hiện tượng nợ "tiền rừng xanh" đang cản trở sự phát triển của chương trình này.

Chặt phá rừng giảm hẳn

Ngồi trong ngôi nhà khang trang và rộng trên trăm mét vuông, trên các vách gỗ treo đầy những bằng khen và giấy khen, ông Quàn Văn An, Trưởng bản Ót Nọi (xã Chiềng Cọ, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La) khoe với chúng tôi: “Đây là nhà văn hóa của thôn. Nhà được xây bằng tiền do người dân đóng góp và “tiền rừng xanh”. Theo người trưởng bản này, “tiền rừng xanh” là tên gọi dân dã của tiền phí dịch vụ môi trường rừng.

 
Các chủ rừng rất vui khi có “tiền rừng xanh” nhưng lại đang có nguy cơ thành chủ nợ - Ảnh: Q.D

“Chúng tôi chăm sóc, bảo vệ rừng để rừng xanh giữ nước, chống xói mòn, thủy điện có nước để chạy điện, nhà máy nước có nước để làm việc nên được trả công. Tiền này tuy không nhiều nhưng mọi người ai cũng vui. Cả bản có 53 nhóm hộ, 52 hộ gia đình và 1 đoàn thể được nhận tiền này”, ông An nói.

 

Sau 3 năm triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỉnh Lâm Đồng có trên 12.300 hộ được hưởng lợi với số tiền trên 126 tỉ đồng.

Lâm Viên

Theo ông Quàn Văn Lẻ, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, xã của ông là một trong những xã điểm được lựa chọn để thực hiện thí điểm việc chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định 380 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi rà soát, cả xã có 2.227 ha được chi trả phí này, trong đó có 718 ha thuộc sở hữu của các nhóm hộ. Năm 2009, các chủ rừng đã nhận được 306 triệu đồng. Số tiền này được chi trả đầy đủ cho người dân, không xảy ra chuyện bớt xén.

“Cả xã đã có 2 nhà văn hóa được xây dựng từ một phần kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Một số cộng đồng là chủ rừng đã dùng tiền này mua cây về trồng thêm rừng hoặc tổ chức các tổ đội tuần tra, canh gác bảo vệ rừng”, ông Lẻ khoe.

Cùng với Chiềng Cọ, xã Nặm Păm (H.Mường La, tỉnh Sơn La) cũng được chọn thí điểm triển khai chi trả phí dịch vụ môi trường rừng. Ông Tòng Văn Pùa, Phó chủ tịch xã Nặm Păm cho biết, cả xã có 3.466 ha rừng thuộc diện được chi trả. Hiện đã chi trả cho người dân tổng cộng 282 triệu đồng. Người dân được mời về trụ sở UBND xã, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện chi trả tận tay chủ rừng. Nhận tiền này, bà con có thêm thu nhập nên rất phấn khởi, tận tâm bảo vệ rừng, tình trạng phá rừng cũng giảm hẳn.

 

EVN chỉ là đầu mối thu hộ thôi. Anh hưởng lợi, không phải đóng tiền và tiền đấy không phải của anh mà lại chây ì thì rất đáng bị phê phán...

Ông Cao Hải Thanh, điều phối viên quốc gia
Dự án lâm nghiệp của Tổ chức Hướng tới minh bạch thế giới

Ông Đường Văn Hóa, Trưởng bản Hốc (xã Nậm Pắc) nói rằng, cứ mỗi ha rừng, người dân được nhận 126.000 đồng/năm. Bản Hốc có 57 chủ rừng với trên 400 ha, đều được nhận cả. Trong khi đó, ông Trà Văn Ón, Bí thư Chi bộ bản Bau (xã Nậm Pắc) cho biết, nhận “tiền rừng xanh”, bà con nhóm họp và thống nhất thành lập các tổ, đội tuần tra bảo vệ rừng. Khoảng  3-4 ngày, mỗi gia đình sẽ đảm trách đi tuần tra rừng một lần, nếu phát hiện có cháy hoặc kẻ xấu chặt phá rừng sẽ báo cáo chính quyền và huy động người dân tham gia bảo vệ rừng.

EVN nợ 550 tỉ đồng

Nhưng nguy cơ bị biến thành "chủ nợ bất đắc dĩ" vì hiện tượng các nhà máy thủy điện nợ "tiền rừng xanh" đang khiến các chủ rừng lo lắng. Việc này bắt đầu vào năm 2010 khi Chính phủ quyết định triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn toàn quốc kể từ năm 2011 sau thành công của chương trình thí điểm tại Sơn La và Lâm Đồng.

 Ông Quàn Văn Lẻ nói rằng, chủ rừng trên địa bàn đến nay vẫn chưa nhận được tiền của năm 2010 và 2011. Còn tại xã Nặm Păm, các chủ rừng cũng mới chỉ được tạm ứng 60% “tiền rừng xanh” của năm 2009. Số tiền còn lại của năm 2009 và số tiền năm 2010 theo ông Tòng Văn Pùa, đã nằm trong tài khoản của xã nhưng chưa thể chi trả cho dân do chưa  hoàn thành công tác rà soát, xác định diện tích rừng của các chủ rừng. Giải thích vấn đề này, ông Lâm Thái Hùng cho biết, tháng 12.2011 tỉnh mới nhận được nguồn tiền từ ngân sách T.Ư rót về cho công tác rà soát.

Cũng theo ông Hùng, đến thời điểm này, Công ty Trường Thành, chủ đầu tư thủy điện Suối Sập vẫn còn nợ quỹ 2,2 tỉ đồng từ chương trình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định số 380 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Phí dịch vụ môi trường rừng

Theo ông Lâm Thái Hùng, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La, tỉnh này cùng với Lâm Đồng được chọn thí điểm triển khai thực hiện chi trả phí dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định số 380 của Thủ tướng Chính phủ. Từ khi triển khai đến nay, quỹ đã tiếp nhận trên 113 tỉ đồng thông qua việc thu từ các nhà máy nước và thủy điện với mức 40 đồng/m3 nước và 20 đồng/kWh điện.

Nhưng con nợ lớn là Tập đoàn điện lực VN (EVN). Ông Phạm Hồng Lượng, Phó giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng VN cho biết, đến nay EVN vẫn còn nợ gần 550 tỉ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2011. Điều đáng nói số tiền này các đơn vị sản xuất của EVN đã thu của người sử dụng điện và được tính vào giá thành với mức 20 đồng/kWh điện. Họ chỉ thu hộ rồi đóng vào quỹ theo ủy thác của chủ rừng nên phải có nghĩa vụ nộp số tiền này.

Ông Cao Hải Thanh, điều phối viên quốc gia Dự án lâm nghiệp của Tổ chức Hướng tới minh bạch thế giới nói rằng, EVN là người hưởng lợi nhiều nhất từ việc triển khai chi trả phí dịch vụ môi trường rừng, điển hình là có được nguồn nước nhiều hơn để sản xuất điện nhưng tiền lại không mất. “EVN chỉ là đầu mối thu hộ thôi. Anh hưởng lợi, không phải đóng tiền và tiền đấy không phải của anh mà lại chây ì thì rất đáng bị phê phán, không có gì phải bàn cãi cả”, ông Thanh nói.

Theo ông Lượng, chủ rừng không có điều kiện đàm phán với các nhà máy thủy điện, công ty sản xuất kinh doanh nước sạch để nhận tiền trực tiếp nên phải ủy thác cho quỹ. Vì vậy, phải có các chế tài đủ mạnh với các đơn vị chậm nộp, lùi thời hạn nộp tiền phí dịch vụ môi trường đã thu từ người tiêu dùng.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.