Ở tuổi gần 70, bà vẫn ngược xuôi giữa hai miền Nam - Bắc để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong thời buổi kinh doanh khó khăn. Trong bà luôn nóng bỏng những lo toan thời cuộc.
Từ chối danh vọng
|
Về quãng thời gian làm việc ở Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), bà kể có nhiều lúc cảm thấy chán nản. Nhất là giai đoạn trước cải cách, kinh tế trì trệ. Lúc đó có một tập đoàn lớn của nhà nước thiếu người am hiểu về thương mại quốc tế, nói được tiếng Anh nên mời bà về phụ trách đối ngoại, xúc tiến hợp tác với nước ngoài. Bà tìm tới thầy giáo cũ, hỏi ý kiến ông, nhưng ông bác: “Làm chỗ nào mà chị có thể tác động để thay đổi nhiều nhất thì nên về. Sang công ty mới, quyết định công việc chắc chắn không phải do chị. Hơn nữa, ở VCCI, chị giúp được cộng đồng DN. Các công ty nước ngoài đang đặt niềm tin vào VN, họ muốn chị dẫn dắt để làm ăn ở đây. Đó là những giá trị lớn”. Bà ngộ ra và thôi không có ý định về DNNN nữa.
|
Lần khác, lãnh đạo nhà nước đề nghị bà về Bộ Thương mại, làm Thứ trưởng, chuẩn bị cho một loạt đàm phán các hiệp định thương mại tự do... nhưng bà cũng từ chối. Bởi bà nghĩ, ở ta, kết quả đàm phán thường không phụ thuộc vào người đàm phán, mà là những người ở nhà. Bên cạnh đó, quá trình làm việc ở VCCI, bà biết nhiều DN bức xúc với một số cán bộ ở Bộ Thương mại có thái độ quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu. Thực tế chứng minh sau đó, đường dây mua quota bị bóc dỡ liên quan đến lãnh đạo bộ này.
“Tôi về đó thì không thể nhắm mắt làm ngơ được, mà tôi sẽ nện đám đấy một trận. Nhưng lo là chưa đánh bật được họ mà tôi đã phải ra đi. Đã về đấy, muốn tồn tại phải vào guồng. Tôi nói vui với lãnh đạo, anh có cho em quyền đuổi thẳng mấy thằng cha tham nhũng ấy không. Nếu không, em không về!”, bà Lan cười.
Về hưu, công việc của bà cơ bản vẫn giống trước, nhưng khác là có quyền chọn lựa và từ chối. Bà chỉ tham gia các hội nghị, các buổi nói chuyện có ý nghĩa nhất đối với DN, với nền kinh tế. Còn không, bà từ chối tất cả. Tính bà thẳng thắn, không nhận lời thì dù đó là ai cũng sẽ lắc đầu. Nửa đời người gần gũi với DN, bà cho rằng, các doanh nhân ngày nay được đào tạo, hoặc tự mình học hành, hiểu biết về quản trị hơn hẳn thời trước. Hồi xưa, bà nhớ mãi thậm chí đi cùng với DN để giúp họ đàm phán với đối tác như thông dịch, xem lại hợp đồng… “Lứa doanh nhân trẻ ngày nay làm ăn với tư duy độc lập mà không dựa dẫm vào chính sách hay sự hỗ trợ nào. Nhưng điểm yếu vẫn là thiếu liên kết, nhìn nhau với con mắt nghi kỵ”, bà nói.
Lo toan thời cuộc
Bà Lan là người cả nghĩ và luôn lo lắng trước những diễn biến của nền kinh tế. Bà cho rằng, trong năm 2013, điều đầu tiên cần phải thúc đẩy là thay đổi tư duy phát triển. Những vấn đề được liên tục đề cập gần đây như chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là sắp xếp lại DNNN, ngân hàng. Nhìn một cách tổng thể, vẫn còn thiếu đường hướng chỉ đạo theo cách thay đổi mạnh hơn nữa về tư duy. Hiện nay, quan hệ giữa nhà nước và DNNN không sòng phẳng. Một mặt, nhà nước cần đóng vai trò chủ sở hữu để quản lý thật tốt nhằm đảm bảo tất cả những nguồn lực của nhà nước đổ vào phải được sử dụng hiệu quả, giám sát tới nơi tới chốn. Mặt khác, nhà nước phải đảm bảo tuân thủ pháp luật trong mọi quy định chuyên ngành, như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Để đừng xảy ra chuyện tóe loe vừa rồi, khi báo cáo của hệ thống ngân hàng cho hay có tới 40% nợ xấu của DNNN. Điều tiết vĩ mô thì nhà nước có thể dùng bất cứ DN nào trong thị trường, chứ không riêng gì DNNN. Tư duy như vậy là không dứt khoát.
“Kinh tế VN có hai cục máu đông đáng lo ngại trong cơ thể. Tồn kho, đặc biệt là tồn kho hàng hóa và tồn kho bất động sản, là cục máu đông thứ nhất. Cục máu đông thứ hai là khối nợ xấu của DNNN, ngày càng to ra. Xử lý hai cục máu đông này là cả một quá trình phức tạp và kéo dài. Nhưng không giải quyết được sẽ gây ách tắc cho phát triển”, bà Lan phát biểu.
Đó là vấn đề kinh tế của bên trong. Còn bên ngoài, sức ép từ Trung Quốc (TQ) càng lúc càng lớn. Vì thế, cần có sự liên kết để gia tăng sức mạnh, chẳng hạn đàm phán TPP (Hiệp định Thương mại xuyên Á - Thái Bình Dương), Hiệp định Thương mại tự do với EU. “Tôi ủng hộ các liên kết này để tạo thêm nguồn lực cho chúng ta và thay đổi cách của ta đi ra thế giới, cách tham gia các chuỗi cung ứng mà trong đó có sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ và EU. Tôi hình dung như thế này, họ có thể đặt hàng gia công nhưng thay vì để mặc cho ta lấy nguyên liệu từ TQ, mà lấy nguyên liệu từ các nước trong liên kết với họ như Ấn Độ, Indonesia… Hoặc thúc đẩy DN đầu tư vào VN để sản xuất nguyên liệu. Đấy là vấn đề hoàn toàn giải quyết được. Đối với TPP, thực tế, Mỹ muốn tăng cường liên kết với VN hơn về kinh tế. EU cũng vậy, họ chủ động và muốn hoàn tất sớm vào 2015”, bà Lan bình luận.
Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp TQ mở chi nhánh ở VN. Trong bối cảnh toàn bộ nền tài chính VN đang gặp vấn đề lớn thì sự xuất hiện của ngân hàng TQ có thể trở thành nguồn vốn mới, kèm theo lo ngại mới. Bà Lan kể, nhiều DN Việt tâm sự rằng, dù khó khăn đến mấy họ cũng không bán cổ phần cho TQ. Nhưng người TQ tính xa và rất thính nhạy, biết lúc nào quăng lưới hiệu quả nhất. Thay vì đi bắt từng con cá, họ chờ cơ hội để quăng một mẻ lưới mà tất cả đều rơi vào. Thời gian vừa rồi, 90% dự án EPC rơi vào tay TQ tổng thầu. Một đằng họ tóm lớn, một đằng đi vào tận nông dân để lục lọi đủ thứ. Trong khi khu vực kinh tế tư nhân lại ít được bảo vệ nhất, sẽ dễ dàng bị thâu tóm dưới các chiêu trò của họ.
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh. |
N.Trần Tâm
>> Trần Đức Anh Sơn: Di sản - không phải cái gì cũng phục dựng được!
Bình luận (0)